Hệ thống chính sách hiện hành chưa tạo được động lực, nền tảng để nhà thầu Việt phát huy hết khả năng. Ảnh: Lê Tiên |
Tuy đã có nhiều cố gắng, nhưng chính những đối tượng bị điều chỉnh bởi pháp luật về xây dựng cho biết, Luật sửa đổi cần sự đồng bộ, tích hợp nhiều hơn nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác xây dựng.
Cam kết nhiều cải cách về thủ tục
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng quy định trách nhiệm lập và thẩm quyền phê duyệt quy hoạch xây dựng khu chức năng; sửa đổi quy định đối tượng phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, lập đề xuất dự án thống nhất với Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư; sửa đổi, bổ sung quy định về cấp phép xây dựng/miễn phép xây dựng công trình quảng cáo phù hợp với Luật Quảng cáo; sửa đổi các quy định về quản lý an toàn thi công xây dựng để thống nhất, đồng bộ với pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; sửa đổi quy định về chứng chỉ của tổ chức, cá nhân hành nghề thống nhất với Luật Kiến trúc.
Đồng thời, Dự thảo Luật chú trọng phân tách trách nhiệm thẩm định của người quyết định đầu tư và cơ quan chuyên môn về xây dựng trong công tác thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng; phân tách trách nhiệm thẩm định của chủ đầu tư và cơ quan chuyên môn về xây dựng trong công tác thẩm định thiết kế xây dựng.
Ông Hoàng Quang Nhu - Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng thuộc Bộ Xây dựng cho biết, tinh thần cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được thể hiện rõ trong sửa đổi Luật Xây dựng lần này. Cụ thể, sẽ rút ngắn thời gian thẩm định dự án của cơ quan chuyên môn về xây dựng, giảm đối tượng phải thẩm định bước thiết kế sau thiết kế cơ sở, đơn giản hóa thủ tục hành chính bằng cách tích hợp công tác thẩm định thiết kế kỹ thuật và cấp phép xây dựng. Đơn giản hóa hồ sơ cấp phép xây dựng, rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng từ 30 ngày xuống 20 ngày, mở rộng đối tượng được cấp phép theo giai đoạn, phân cấp việc cấp phép cho chính quyền địa phương…
Khắc phục tình trạng chậm phê duyệt hồ sơ thiết kế
Tuy nhiên, trong lĩnh vực xây dựng hiện nay còn rất nhiều vấn đề mà chính những người trong cuộc phải lên tiếng. Trao đổi tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 3/7/2019 tại TP.HCM, đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho biết, nếu chiếu theo hợp đồng, chủ đầu tư này không thể tuân thủ và rất khó tìm được câu trả lời cho nhà thầu về việc chậm trễ phê duyệt các hồ sơ thiết kế. “Các hợp đồng có giá trị lớn của chúng tôi đều theo mẫu EPC - đáng lẽ ra phải giao thẩm quyền cho chủ đầu tư phê duyệt các hồ sơ thiết kế. Tuy nhiên, hiện nay vẫn phải trình cơ quan chuyên môn là Sở Giao thông vận tải và UBND TP.HCM. Điều này dẫn tới tình trạng có đến 31/35 hồ sơ thiết kế của chúng tôi đến nay vẫn chưa được phê duyệt, khiến nhà thầu chậm triển khai thi công. Dự án vốn đã gặp nhiều vướng mắc lại càng ách tắc hơn”, đại diện chủ đầu tư này than thở.
Bên cạnh đó, cũng liên quan đến hợp đồng EPC, nhiều chủ đầu tư cho biết, việc xác định đơn giá, định giá vật tư còn nhiều bất cập. Cụ thể, việc xác định đơn giá định mức hiện nay hoàn toàn phụ thuộc vào báo giá của các nhà thầu nước ngoài. Chúng ta chưa có cơ sở để xác định đơn giá định mức đối với những hạng mục đặc thù cho các dự án metro như công tác khoan ngầm BTM, hạng mục nhà ga ngầm… Rất nhiều gói thầu đấu thầu quốc tế đang khó khăn trong việc xây dựng giá gói thầu cho chính xác.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng khẳng định, với các dự án triển khai theo hợp đồng EPC, về bản chất, phần thiết kế thuộc hoàn toàn vào nhà thầu. Theo đó, cơ quan chuyên môn chỉ chịu trách nhiệm thẩm định. Tuy nhiên, đang có hiện tượng can thiệp quá sâu vào phần việc của nhà thầu. Đây là tư duy cũ kỹ và cứng nhắc, buộc chúng ta phải có những hướng dẫn, tháo gỡ trong quá trình xây dựng hệ thống chính sách liên quan đến xây dựng.
Chia sẻ của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM lại cho rằng, thị trường xây dựng Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, đội ngũ nhà thầu xây dựng có sự vươn lên, có những nhà thầu cạnh tranh ngang ngửa được với các thương hiệu xây dựng lớn trên thế giới như Hòa Bình, Coteccons… Tuy nhiên, hệ thống chính sách hiện hành chưa tạo ra được động lực, nền tảng để những nhà thầu này phát huy hết khả năng.
Trước các ý kiến phản biện trên, đại diện Bộ Xây dựng khẳng định sẽ tiếp thu đưa vào Dự thảo Luật một cách hài hòa, hợp lý nhất.