Thủ tục xin cấp phép xây dựng thời gian qua là nỗi ám ảnh của nhiều doanh nghiệp. Ảnh: Tiên Giang |
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp chuyên đề của Chính phủ về xây dựng pháp luật vừa diễn ra, cũng là kỳ vọng của doanh nghiệp, người dân, bởi không ít thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực này đang gây nhiều khó khăn, bức xúc.
Cần cắt giảm giấy phép, thủ tục
Về vấn đề còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) liên quan đến cấp giấy phép xây dựng công trình, nhà ở tại nông thôn, trước hai luồng ý kiến “quy định hay bỏ”, Thủ tướng nêu rõ, phải quyết liệt cải cách TTHC, cắt giảm giấy phép, cần căn cứ quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt để thực hiện quản lý trật tự xây dựng.
Thực tế thời gian qua, nhiều TTHC trong lĩnh vực xây dựng, nhất là xin giấy phép xây dựng là nỗi ám ảnh đối với nhiều doanh nghiệp. Các khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, không ít doanh nghiệp phản ánh nhiều thủ tục liên quan đến xây dựng phát sinh chi phí không chính thức, thậm chí có thủ tục chi phí không chính thức còn cao hơn cả chi phí chính thức như xin cấp giấy phép xây dựng.
Việc sửa đổi Luật Xây dựng được kỳ vọng sẽ giảm bớt, minh bạch, công khai việc thực hiện các TTHC trong lĩnh vực này. Song song với cắt giảm, góp ý vào Dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi), Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đề nghị, cần đổi mới công tác thẩm định dự án, cấp phép xây dựng qua mạng, đưa quy định vào Luật Xây dựng (sửa đổi). Thời gian đầu, Chính phủ ban hành nghị định thực hiện thí điểm đối với các dự án nhóm B trở xuống, sau đó sẽ triển khai rộng rãi.
Định mức chi phí cần theo kịp thị trường
Quản lý chi phí đầu tư xây dựng là vấn đề có khá nhiều ý kiến khác nhau khi Bộ Xây dựng tham vấn về Dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi). Tổng hợp lại, Bộ Xây dựng cho biết, có nhóm ý kiến đề nghị hệ thống định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành là cơ sở để chủ đầu tư dự án sử dụng vốn đầu tư công xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Đối với dự án sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước, dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư, chủ đầu tư căn cứ các quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hệ thống định mức được ban hành để sử dụng, tham khảo trong xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Nhóm ý kiến thứ hai đề nghị giữ nguyên quy định tại Luật Xây dựng năm 2014. Theo đó, hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật và giá xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố, khuyến khích áp dụng nhằm bảo đảm thống nhất với pháp luật về giá và khả thi trên thực tế.
Quan điểm của Bộ Xây dựng cho rằng, việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hệ thống định mức và bắt buộc áp dụng đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công là cần thiết nhằm tránh việc vận dụng tùy tiện, gây thất thoát vốn đầu tư công. Dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) mới nhất trình Chính phủ đã thiết kế theo hướng này.
Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành bắt buộc áp dụng đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công nhằm kiểm soát việc sử dụng hiệu quả vốn nhà nước, chống thất thoát. Đối với dự án sử dụng nguồn vốn khác thì để tham khảo áp dụng. Tuy nhiên, Dự thảo Luật cần quy định cụ thể thời hạn định kỳ cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải cập nhật, điều chỉnh hệ thống định mức cho phù hợp với thực tế.
Dù bắt buộc áp dụng hay tham khảo thì theo nhiều chuyên gia, cần đổi mới việc xây dựng hệ thống định mức.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận xét, thực tế triển khai đầu tư xây dựng cho thấy, hệ thống định mức còn lạc hậu, chưa phù hợp với sự phát triển của công nghệ, thiết bị. Định mức xây dựng được công bố hiện nay không phù hợp với cơ chế thị trường, chưa theo kịp những thay đổi của các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng mới. Theo ông Long, để xây dựng hệ thống định mức cần xây dựng tốt hệ thống nghiên cứu thị trường, thường xuyên cập nhật biến động của thị trường.