Sửa nhiều luật về đầu tư, tài chính: Tạo động lực mới, kiến tạo phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - 5 luật thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, 7 luật thuộc lĩnh vực tài chính được Chính phủ đề xuất sửa đổi, trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp tháng 10 nhằm xử lý những vấn đề đang cản trở, vướng mắc mang tính cấp bách trong các luật. Việc sớm tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế này sẽ nhanh chóng tạo ra động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, tạo nền tảng phát triển cho tương lai.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất sửa đổi Luật Đầu tư công theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa hơn nữa trình tự, thủ tục, tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc. Ảnh: Lê Tiên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất sửa đổi Luật Đầu tư công theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa hơn nữa trình tự, thủ tục, tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc. Ảnh: Lê Tiên

Đáp ứng yêu cầu phát triển

Trong các phiên họp Chính phủ thường kỳ, đề xuất giải pháp để phát triển kinh tế, đảm bảo các mục tiêu kế hoạch đề ra, cải cách thể chế luôn được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) nhấn mạnh cần là giải pháp ưu tiên, mang tính đột phá. Bộ KH&ĐT đã chủ động tham mưu Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo để rà soát các vướng mắc, điểm nghẽn ở tầm luật, xây dựng một luật sửa nhiều luật để tháo gỡ vướng mắc; nghiên cứu mở rộng áp dụng các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù, tháo gỡ cho doanh nghiệp, dự án tại một số địa phương đã phát huy hiệu quả. Đồng thời, Bộ chủ động tham mưu và xây dựng đề xuất sửa đổi Luật Đầu tư công theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa hơn nữa trình tự, thủ tục, tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc, nhưng vẫn đảm bảo được quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, thể chế, chính sách, quy định pháp luật còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ. Có những vấn đề vướng mắc ở pháp luật, nhưng không phải là vướng mắc của hệ thống pháp luật ở thời điểm xây dựng, do quá trình phát triển đất nước ở từng thời kỳ, chính sách, môi trường, điều kiện khác nhau. Do yêu cầu phát triển, cần phải thay đổi quy định pháp luật, do đó cần làm rõ vấn đề nào do chính sách theo từng thời kỳ, vấn đề nào do tổ chức thực hiện. Cần phân định rạch ròi đâu là chính sách phải giữ, đâu là chính sách phải thay đổi, điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế, do yêu cầu phát triển phải thay đổi theo, đâu là vướng mắc do thủ tục hành chính, đâu là vướng mắc ở khâu tổ chức thực hiện để giải quyết từng việc cho chính xác, giữ được sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật đã dày công xây dựng ở các thời điểm trước.

Trên cơ sở rà soát của Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ giao Bộ KH&ĐT xây dựng Dự án Luật sửa đổi Luật Đầu tư công và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật PPP, Luật Đấu thầu. Bộ Tài chính xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật gồm Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc đề xuất sửa đổi các luật nói trên đầy đủ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, qua đó triển khai các nghị quyết của Đảng, kết luận của Bộ Chính trị, các chỉ đạo của lãnh đạo chủ chốt, các nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ. Việc này có ý nghĩa quan trọng, góp phần triển khai 3 đột phá chiến lược, nhất là đột phá về xây dựng và hoàn thiện thể chế; phòng chống tham nhũng, tiêu cực; khắc phục tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên; đáp ứng mong muốn của người dân và doanh nghiệp về giảm thủ tục hành chính, chống phiền hà, sách nhiễu, giảm chi phí tuân thủ. Thủ tướng yêu cầu việc sửa đổi, bổ sung luật vừa phải tháo gỡ được các vướng mắc cấp bách trước mắt đặt ra trong thực tiễn, vừa kiến tạo phát triển cho tương lai; quan điểm lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược, công nghệ cao…

Đặt lợi ích phát triển đất nước lên trên hết, trước hết

Ngay sau khi được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng 2 dự án luật, với tinh thần "làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm", Bộ KH&ĐT đã tập trung ưu tiên dành thời gian, nguồn lực, khẩn trương đẩy mạnh công tác hoàn thiện hồ sơ 2 dự án luật.

Bộ KH&ĐT đã nhanh chóng rà soát, xác định nhóm nội dung cần sửa đổi tại các luật, đặc biệt là những vấn đề có nhiều vướng mắc mang tính cấp bách cần xử lý để tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh hiện nay. Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc, nguyên tắc sửa 4 luật (Quy hoạch, Đầu tư, PPP, Đấu thầu) là lựa chọn sửa đổi, bổ sung quy định của các luật nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế mang tính cấp bách để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trên cơ sở đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường kiểm tra, giám sát. Đồng thời, tập trung vào các nội dung đã xác định rõ phương án sửa đổi, bảo đảm không ảnh hưởng đến sự thống nhất chung của các luật, tránh tác động đến các quy định của pháp luật có liên quan, nhất là những luật vừa được Quốc hội thông qua, có bảo đảm tính ổn định để có thể kế thừa khi sửa đổi, bổ sung toàn diện các luật.

Tại cuộc làm việc của Ban soạn thảo các luật, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, một số vấn đề đang cản trở, đã chín, đã rõ, cần sửa ngay để tháo gỡ, thúc đẩy tăng trưởng. Đặc biệt, lần làm luật này chúng ta coi như một cuộc cách mạng thật sự, đổi mới và cải cách về thể chế, cần thay đổi tư duy, thay đổi tầm nhìn, thay đổi phương thức quản lý, quản trị quốc gia.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu quan điểm, một trong những vấn đề trọng tâm trong việc sửa các luật là giúp khơi thông các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực cho nền kinh tế, vì hiện nay có nhiều ách tắc, điểm nghẽn, đặc biệt là về thể chế, tư duy quản trị xã hội, đâu đó vẫn chưa theo kịp với sự phát triển. Cùng với đó, khi làm luật cần có tư duy mới, kiến tạo phát triển một cách chủ động.

Chia sẻ với các thành viên Ban soạn thảo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, rất cần gạt cái tôi của mình sang một bên, đặt lợi ích phát triển đất nước lên trên hết, trước hết. Làm thế nào phát triển đất nước, giải phóng, huy động, sử dụng các nguồn lực hiệu quả, tranh thủ các cơ hội, dù là nhỏ nhất để phát triển đất nước.

Tin cùng chuyên mục