Chỉ số PAPI 2022 được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố sau khi xây dựng thông qua việc lấy ý kiến của 16.117 người dân trên 18 tuổi trong phạm vi cả nước về hiệu quả, chất lượng thực thi chính sách và cung cấp dịch vụ công của chính quyền địa phương.
Theo kết quả lần đánh giá mới được UNDP công bố, Thanh Hóa có nhiều chỉ số thành phần tăng mạnh về điểm số và thứ hạng trong 8 chỉ số nội dung được khảo sát từ người dân. Đơn cử, chỉ số “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở” tăng từ 5,85 điểm (năm 2021) lên 6,1 điểm năm 2022 (cao nhất cả nước); chỉ số “Công khai trong việc ra quyết định với người dân” đạt 5,97 điểm, đứng thứ 3 cả nước; chỉ số “Thủ tục hành chính công” đạt 7,43 điểm (xếp thứ 8 cả nước); chỉ số “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” đạt 7,28 điểm (đứng thứ 7 cả nước)…
Trong quá khứ, Chỉ số PAPI của Thanh Hóa cả giai đoạn 2011 - 2017 chỉ quanh mức 36 - 37 điểm, thuộc nhóm thấp của cả nước. Trong đó, nhiều chỉ số thành phần như “Quản trị điện tử”, “Quản trị môi trường” hay “Trách nhiệm giải trình với người dân”... ở mức trung bình thấp; một số chỉ số thành phần giảm điểm nhiều năm liên tục, không được cải thiện. Năm 2018, Chỉ số PAPI của Thanh Hóa có bước “nhảy vọt”, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố, sau đó tiếp tục cải thiện, chiếm vị trí thứ 3 trong 3 năm gần đây, phản ánh hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương. Nỗ lực cải cách hành chính, duy trì và cải thiện môi trường kinh doanh của Thanh Hóa đã được người dân, doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá khách quan thông qua thước đo này.
Nguồn: Tổng hợp từ Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, RTA và UNDP Việt Nam |
Theo báo cáo công bố Chỉ số PAPI 2022, vấn đề mà người dân hài lòng hay không hài lòng thể hiện rõ nhất ở việc tiếp cận, giải quyết các thủ tục hành chính, nhất là thủ tục thuộc lĩnh vực đất đai. Tại Thanh Hóa, nhiều địa phương, đơn vị hành chính của Tỉnh đã hoàn thiện, bổ sung các dịch vụ hỗ trợ trong giải quyết thủ tục hành chính, thông qua tin nhắn SMS tự động thông báo; công bố số điện thoại hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính khi tổ chức, cá nhân có yêu cầu... Bên cạnh đó, Tỉnh đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhằm ngăn chặn tình trạng phiền hà, sách nhiễu, hách dịch đối với người dân. Hiện nay, hơn 900 thủ tục hành chính của Thanh Hóa được xử lý trên nền tảng điện tử. Cổng dịch vụ công, hệ thống “một cửa” điện tử cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đã được tích hợp hệ thống thanh toán trực tuyến, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp...
Bên cạnh Chỉ số PAPI được củng cố, Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2022 của Thanh Hóa cũng có sự cải thiện, xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố với 87,11 điểm, tăng 4 bậc so với năm 2021. Trong 8 lĩnh vực được đánh giá để xây dựng Chỉ số PAR Index, lĩnh vực “Hiện đại hóa hành chính” của Thanh Hóa đạt 11,17 điểm, xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố. Lĩnh vực “Tác động của cải cách hành chính đến người dân, tổ chức và các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội” đạt 14,8 điểm và “Cải cách thủ tục hành chính” đạt 12,83 điểm, xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố…
Thanh Hóa tham gia đánh giá bộ Chỉ số PAR Index do Bộ Nội vụ thực hiện vào năm 2012, nhưng nhiều năm liên tục xếp ở nhóm cuối cả nước. Đơn cử, năm 2017, Thanh Hóa ở vị trí thứ 61; năm 2018 ở vị trí thứ 57; năm 2019 ở vị trí thứ 43; năm 2020 ở vị trí thứ 29. Năm 2021, lần đầu tiên Thanh Hóa có bước nhảy vọt về Chỉ số PAR Index, đạt 87,83 điểm, xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
PAR Index lọt TOP 10 hay PAPI vững vị trí TOP 3 cho thấy, Thanh Hóa dành nhiều nỗ lực và đạt hiệu quả thiết thực trong việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Hiệu quả thực chất của các nỗ lực cải cách là việc Thanh Hóa ngày càng tăng sức hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, nhất là các dự án lớn. Với 143 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tổng vốn đầu tư hơn 14,6 tỷ USD, Thanh Hóa hiện đứng đầu khu vực miền Trung và thứ 8 cả nước trong lĩnh vực này. Những dự án tầm cỡ khu vực và quốc gia đã tạo vị thế và sức hút đầu tư cho Thanh Hóa nói chung, Khu kinh tế Nghi Sơn nói riêng trên hành trình thu hút thêm những dự án mới.
Trong giai đoạn 2022 - 2025, Thanh Hóa đặt mục tiêu thu hút khoảng 30 tỷ USD tổng nguồn vốn FDI và đầu tư trong nước. Trong đó, mục tiêu cụ thể sẽ tiếp cận, xúc tiến từ 3 - 6 công ty sở hữu công nghệ gốc, nằm trong Top 500 công ty xuyên quốc gia trên thế giới đầu tư vào Thanh Hóa. Bên cạnh việc coi trọng các địa bàn, đối tác truyền thống như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Kuwait, Đài Loan…, Thanh Hóa sẽ thu hút thêm các đối tác tiềm năng mới như Nga, Mỹ, các nước châu Âu, đồng thời khai thác hiệu quả mối quan hệ với các tập đoàn lớn tại các nước phát triển thuộc G7, G8, OECD...
Bên cạnh nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, để gia tăng lợi thế thu hút nguồn vốn đầu tư, Thanh Hóa đang tập trung nguồn lực giải phóng mặt bằng, đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, phát triển nhiều quỹ đất “sạch”. Cơ chế thông thoáng, chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư cùng với nỗ lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng… là những yếu tố quan trọng tạo sức hút các dòng vốn chuyên nghiệp chọn Thanh Hóa làm điểm đến dài hạn.