Chứng khoán Trung Quốc bị xem là phát triển quá nóng, khiến nhiều nhà đầu tư nhỏ bị mất tiền - Ảnh: Reuters |
Một ngày sau khi thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm hơn 7% khiến giới đầu tư bán tống bán tháo cổ phiếu. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã rót gần 20 tỉ USD vào các thị trường tiền tệ nhằm xoa dịu các nhà đầu tư.
Theo báo Chứng Khoán Trung Quốc, đây là khoản bơm tiền lớn nhất của PBOC vào thị trường tài chính trong bốn tháng qua. Cùng ngày, Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) tuyên bố sẽ đưa ra những quy định mới nghiêm khắc hơn nhằm hạn chế cổ đông lớn của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn bán cổ phiếu với số lượng lớn.
Ngày 5-1, hai thị trường chứng khoán lớn của Trung Quốc trồi sụt với xu hướng giảm nhẹ hơn. Thị trường chứng khoán Thượng Hải giảm 0,27%, trong khi thị trường Thâm Quyến tiếp tục giảm 1,86%. Cùng lúc, báo South China Morning Post đưa tin tại thị trường Hong Kong, chỉ số chứng khoán lớn Hang Seng Index giảm 0,02%.
Báo Tài Kinh dẫn lời ông Kevin Lương - giám đốc chiến lược đầu tư toàn cầu của Công ty chứng khoán quốc tế Haitong - cho biết tình trạng sụt giảm đang gây áp lực rất lớn lên các thị trường chứng khoán Trung Quốc, xuất phát từ những quan ngại liên quan đến dữ liệu kinh tế hiện nay của nước này.
Tuy nhiên, nhà chức trách Trung Quốc lại nghĩ đến những âm mưu đầu cơ và cho biết đang mở cuộc điều tra xem những cá nhân hay tổ chức nào lại vi phạm luật giao dịch chứng khoán.
Hôm qua, CSRC tuyên bố xem xét lại những quy luật trong cơ chế ngắt giao dịch tự động (kiểu “cúp cầu dao”) nếu cần thiết. “Trung Quốc chưa có kinh nghiệm sử dụng cơ chế ngắt giao dịch tự động và cần có thời gian để các thị trường thích nghi với những quy luật mới này” - phía CSRC tuyên bố.
Trong khi đó, giới chuyên gia quốc tế nhận định các thị trường chứng khoán ở Trung Quốc rơi vào tình trạng hoảng loạn trong ngày đầu năm do giới đầu tư quan ngại về tình hình của nền kinh tế nước này.
Nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Maurice Obstfeld cho rằng Trung Quốc vẫn đang đối mặt với “những thử thách lớn” trong việc tái cấu trúc nền kinh tế của nước này. “Đây là vấn đề hàng đầu trong danh sách những vấn đề cần phải theo dõi thật cẩn thận trong năm 2016” - ông Obstfeld nhận định.
Các thị trường chứng khoán Âu - Mỹ sau cú “nấc cục” ngày đầu tuần đã ổn định hơn trong ngày giao dịch kế tiếp. Tuy nhiên, ông Angus Nicholson, nhà phân tích thị trường của Công ty IG, cảnh báo: “Những động thái từ thị trường của Trung Quốc gây quan ngại. Nhiều yếu tố nội tại ở đó cho thấy dấu hiệu của một cuộc điều chỉnh mới và có khả năng xảy ra một cuộc giảm sâu như hồi tháng 8-2015”.
* TS Đinh thế Hiển:
Giới quản lý ở Trung Quốc đã mất tự tin
Mặc dù các chuyên gia đã lường trước xu hướng đi xuống, giảm điểm của thị trường chứng khoán Trung Quốc dịp đầu năm 2016, nhưng động thái tạm dừng giao dịch khi thị trường giảm sâu hôm 4-1 của Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc cho thấy các nhà làm chính sách nước này không còn tự tin vào việc kiểm soát các chính sách của mình.
Trong bối cảnh đó, thị trường chứng khoán VN trong vài ngày tới vẫn sẽ trong xu hướng giảm nhẹ do chịu tác động mang tính tâm lý của thị trường chứng khoán Trung Quốc. Nhưng yếu tố tâm lý này không làm chứng khoán VN giảm quá mạnh dù có tạo áp lực bán ra. Sẽ không có những đợt bán tháo mạnh. Thị trường trong xu thế giảm, nhưng vẫn sẽ có những phiên “lóe sáng” chứ không giảm liên tục và dần dần điều chỉnh, chờ đợi nhóm người đón đầu xuất hiện.
* Ông Trần Anh Tuấn (trưởng phòng phân tích của Công ty chứng khoán Vietcombank):
Tác động là không thể tránh khỏi
Ngay đầu năm, thị trường chứng khoán VN phải chịu hai tác động: tâm lý chờ chính sách điều hành tỉ giá mới cộng thêm diễn biến đóng cửa giao dịch sớm của thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Theo tôi, với những phản ứng các ngày qua, “sức khỏe” thị trường chứng khoán VN khá tốt nhưng vẫn còn phải chờ đợi đường dài để đánh giá. Chứng khoán Trung Quốc tuột dốc cũng khiến chứng khoán Mỹ lao đao, nên VN chắc chắn không thể tránh khỏi những ảnh hưởng.
Trong ngắn hạn, tác động từ chứng khoán Trung Quốc lên VN chưa rõ ràng, diễn biến giảm điểm nhẹ trong các phiên vừa qua chỉ mang tính tâm lý. Về lâu dài, ảnh hưởng của nền kinh tế Trung Quốc có thể tác động lên kinh tế VN.
Trong năm 2015, nền kinh tế nước này đã bộc lộ những điểm yếu, nhập khẩu tăng vọt trong khi các nhà đầu tư nước này lại cho xu hướng đi ra ngoài, tác động không ít lên VN như nhập siêu tăng, áp lực lên tỉ giá...
N.Bình ghi