Ảnh minh họa: Internet |
Theo WSJ, dòng chảy thương mại toàn cầu suy giảm đang củng cố khoảng cách tăng trưởng giữa các thành viên của Nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20). Bên thiệt hại nhiều hơn là các nền kinh tế "hướng ngoại", vốn có truyền thống ghi nhận thặng dư thương mại và hiện đang chứng kiến mức tăng trưởng tụt lại so với Mỹ và Ấn Độ.
Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thương mại hàng hóa toàn cầu đã giảm trong quý I/2023 so với quý IV/2022, kéo dài thời kỳ suy thoái bắt đầu từ năm ngoái. Các nhà kinh tế dự báo, xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm nay.
Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới - đang tăng trưởng với tốc độ hàng năm gần 6%, theo số liệu từ Cục Dự trữ Liên bang (Fed) - Chi nhánh Atlanta. Trong khi đó, kinh tế Ấn Độ ghi nhận mức tăng trưởng 7,8% trong quý II/2023 - tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong một năm. Ngược lại, tăng trưởng của khu vực đồng Euro - vốn phụ thuộc nhiều vào thương mại - hầu như không mấy tích cực trong quý II và nền kinh tế của khu vực này vẫn đang suy yếu so với xu hướng tăng trưởng trước đại dịch.
Sự sụt giảm trong thương mại phản ánh một loạt các yếu tố tạm thời bao gồm lãi suất và chi phí sinh hoạt tăng cao, cũng như việc doanh nghiệp giảm hàng tồn kho khi tình trạng khan hiếm hàng hóa toàn cầu được giải tỏa. Nhưng nó cũng là kết quả của những thay đổi dài hạn hơn như kinh tế Trung Quốc giảm tốc, các chính sách bảo hộ công nghiệp nhiều hơn ở phương Tây và việc các quốc gia ngày càng sử dụng nhiều biện pháp kinh tế - từ cấm vận công nghệ đến sàng lọc đầu tư ra nước ngoài.
Theo Nhà kinh tế trưởng Holger Schmieding tại Ngân hàng Berenberg, "thương mại toàn cầu sẽ ít mang tính toàn cầu hơn" trong tương lai, với việc trao đổi diễn ra nhiều hơn trong các khối khu vực.
Ông Holger Schmieding cho biết, thương mại toàn cầu sẽ chuyển dịch từ hàng hóa sang dịch vụ, mang lại động lực lớn cho các nền kinh tế như Mỹ và Ấn Độ - vốn chuyên về công nghệ thông tin và các dịch vụ khác, gây bất lợi cho các cường quốc sản xuất hàng hóa như Đức và Trung Quốc.
Ảnh Internet |
Theo WSJ, sự suy yếu trong thương mại toàn cầu đang gây ảnh hưởng tới các ngành công nghiệp ở khắp mọi nơi, từ các nhà sản xuất điện thoại thông minh và máy móc đến các công ty vận chuyển, kéo theo một cuộc suy thoái sản xuất đang bao trùm trên toàn thế giới. Sự suy yếu này trái ngược hẳn với nhiều thập kỷ thương mại thế giới được mở rộng, bao gồm cả sự mở rộng mạnh mẽ và gần đây sau khi các nút thắt do đại dịch giảm bớt, vốn đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nền kinh tế vốn dựa nhiều vào sản xuất.
Dirk Schumacher - nhà kinh tế tại Natixis ở Frankfurt - cho biết, bên cạnh căng thẳng chính trị, thương mại đang bị ảnh hưởng bởi những thay đổi lớn trong nguồn cung năng lượng và lĩnh vực sản xuất toàn cầu do các sự kiện bên ngoài như xung đột tại Ukraine và biến đổi khí hậu do con người gây ra.
Điều đó đặc biệt gây tổn hại cho những quốc gia có ngành công nghiệp chiếm một phần lớn trong nền kinh tế. Theo Ngân hàng Thế giới, ngành sản xuất chiếm gần 1/3 sản lượng kinh tế ở Trung Quốc so với 18% của Đức và 11% của Mỹ.
Sản lượng lĩnh vực sản xuất toàn cầu giảm tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 8/2023, theo khảo sát của S&P Global.
Theo WSJ, chi phí tài chính tăng cao là một trong những yếu tố làm suy yếu thương mại. Khi các ngân hàng trung ương lớn tăng lãi suất với tốc độ chưa từng có trong lịch sử suốt 18 tháng qua, lượng tiền mặt mà các doanh nghiệp nắm giữ đã giảm mạnh, gây áp lực lên đầu tư và thương mại.
Chi tiêu và đầu tư của người tiêu dùng cũng chịu áp lực khi các ngân hàng thắt chặt tiếp cận tín dụng. Theo Oxford Economics, lãi suất đồng USD tăng mạnh cũng có thể "bóp nghẹt" các nguồn tài trợ thương mại quan trọng.
Bloomberg: Kinh tế Trung Quốc khó có khả năng sớm vượt qua Mỹ
Tại Trung Quốc, xuất khẩu giảm 8,8% trong tháng 8/2023 so với cùng kỳ năm trước, trong khi nhập khẩu giảm 7,3%. Điều đó phản ánh những hạn chế thương mại, nhu cầu tiêu dùng trì trệ và cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản đe dọa hoạt động nhập khẩu hàng hóa và các nguyên liệu đầu vào khác. Giờ đây, sự suy giảm của Trung Quốc đang lan sang phần còn lại của châu Á, với Nhật Bản và Hàn Quốc - hai nhà xuất khẩu lớn - đang chứng kiến thương mại sụt giảm.
Trong một nền kinh tế toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng, kinh tế Mỹ "linh hoạt và hướng nội nhiều hơn" là một ngoại lệ. Bất chấp những dấu hiệu cho thấy thị trường lao động đang hạ nhiệt, chi tiêu tiêu dùng vẫn mạnh mẽ và sản lượng sản xuất dường như được duy trì tốt hơn so với các nền kinh tế tiên tiến khác.
Trong khi đó, doanh thu đang sụt giảm tại các cảng lớn của châu Âu như Hamburg (Đức), nơi sản lượng container thông qua giảm gần 12% trong nửa đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng nửa đầu năm của cảng Rotterdam (Hà Lan) giảm khoảng 8%, trong khi cảng Antwerp-Bruges (Bỉ) giảm 5%.
Angel Talavera, nhà kinh tế tại Oxford Economics, cho biết: "Nhu cầu đối với hàng hóa khu vực đồng Euro đang chững lại trong năm nay, khiến khu vực này khó có thể phục hồi bền vững trước năm 2024".
Theo WSJ, xu hướng ảm đạm trong hoạt động thương mại toàn cầu được dự báo sẽ còn tiếp diễn. Công ty vận tải biển khổng lồ A.P. Moller-Maersk của Đan Mạch tháng trước đã báo cáo lợi nhuận quý II sụt giảm mạnh trong bối cảnh giá cước container lao dốc. Hãng cũng cảnh báo về sự suy giảm sâu hơn đối với nhu cầu vận tải biển toàn cầu.
Kinh tế thế giới trước những biến số khó lường
Tuy nhiên, vẫn có những điểm sáng cho thương mại toàn cầu. Xuất khẩu ô tô tăng mạnh đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng cao hơn dự kiến ở Nhật Bản và Trung Quốc trong những tháng gần đây. Các nhà kinh tế cho biết, sự sụt giảm trong sản xuất chất bán dẫn - yếu tố chính dẫn đến sự suy yếu trong thương mại châu Á - có thể đã chạm đáy.
Mặc dù vậy, với lượng công việc tồn đọng đang cạn kiệt trong bối cảnh thiếu đơn đặt hàng mới, sản lượng công nghiệp có thể giảm nhanh hơn ở một số thị trường trong những tháng tới. Ngoài ra, các ngân hàng trung ương lớn được dự báo sẽ giữ lãi suất cao trong thời gian dài hơn để kéo lạm phát xuống.
Thương mại ít hơn đồng nghĩa với việc tạo ra của cải nói chung chậm hơn. Theo Oxford Economics, tăng trưởng thế giới có khả năng giảm từ 2,4% trong năm nay xuống chỉ còn 2% vào năm tới, tốc độ tăng trưởng theo năm thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, ngoại trừ năm 2020.