“Tắc” giải ngân vốn đối ứng dự án ODA

(BĐT) - Chậm trễ trong giải ngân vốn đối ứng các dự án ODA đang ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi công của nhiều dự án giao thông và xây dựng kết cấu hạ tầng trọng điểm. Đây vẫn được đánh giá là một trong những hạn chế lớn nhất trong công tác giải ngân vốn vay ODA hiện nay.
Tiến độ giải ngân vốn ODA dự án Đường sắt đô thị Hà Nội – Tuyến số 1 rất chậm. Ảnh: Trần Sơn
Tiến độ giải ngân vốn ODA dự án Đường sắt đô thị Hà Nội – Tuyến số 1 rất chậm. Ảnh: Trần Sơn

Nguy cơ chậm tiến độ nhiều dự án

Theo báo cáo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tổng số vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân trong năm 2015 đạt khoảng 4.600 triệu USD, trong đó, ODA vốn vay khoảng 4.350 triệu USD, ODA viện trợ không hoàn lại khoảng 250 triệu USD. Mức giải ngân này thấp hơn khoảng 18,6% so với năm 2014. Đáng chú ý, số liệu báo cáo mới nhất của Bộ cho thấy, tổng số vốn ODA ký kết tính từ đầu năm 2016 đến hết tháng 4/2016 khoảng 1 tỷ USD, nhưng giải ngân ước mới đạt 610 triệu USD.

Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, mức giải ngân ODA và vốn vay ưu đãi không đồng đều giữa các ngành, lĩnh vực và giữa các địa phương. Những chương trình, dự án trong các lĩnh vực như giao thông, năng lượng điện, phát triển đô thị có mức giải ngân cao hơn so với các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục và đào tạo, thông tin truyền thông, lao động, thương binh và xã hội.

Hiện Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang được đánh giá là Bộ có mức giải ngân vốn ODA cao trong năm 2015 với mức giải ngân đã đạt được là trên 80% so với kế hoạch. Tuy nhiên, tổng số vốn ODA và vay ưu đãi giải ngân trong năm này của Bộ lại chỉ đạt 1.415 triệu USD trên tổng số 11.472 triệu USD vốn ký kết của các chương trình, dự án đang thực hiện. Trong đó, vẫn còn nhiều dự án có mức giải ngân chưa đạt yêu cầu như: Dự án Đầu tư xây dựng Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, Dự án Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội – Tuyến số 1, Dự án Xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, Dự án Phát triển giao thông vận tải khu vực Đồng bằng Bắc Bộ.

Nhận định về công tác giải ngân vốn ODA, Bộ KH&ĐT cho rằng, mặc dù có những mặt tích cực song vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế dẫn đến mức giải ngân trong năm 2015 thấp hơn so với năm 2014, chỉ bằng 92% kế hoạch giải ngân vốn ODA đã đề ra (5 tỷ USD). Đặc biệt, vấn đề chậm trễ trong giải ngân vốn đối ứng được đánh giá là có nguy cơ làm chậm tiến độ nhiều dự án. “Nhu cầu vốn đối ứng của các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi là rất lớn. Mặc dù Quốc hội và Chính phủ xác định rõ vốn đối ứng là “vốn mồi” để giải ngân nguồn vốn nước ngoài và ưu tiên bố trí vốn đối ứng từ ngân sách tập trung và nguồn trái phiếu chính phủ song vẫn chưa đáp ứng được tiến độ giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi”, báo cáo của Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.

Đăng ký vốn khủng, giải ngân nhỏ giọt

Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, mức giải ngân ODA và vốn vay ưu đãi không đồng đều giữa các ngành, lĩnh vực và giữa các địa phương. Những chương trình, dự án trong các lĩnh vực như giao thông, năng lượng điện, phát triển đô thị có mức giải ngân cao hơn so với các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục và đào tạo, thông tin truyền thông, lao động, thương binh và xã hội.
Chậm trễ trong giải ngân vốn đối ứng cho các dự án ODA đang khiến hầu hết các dự án trong lĩnh vực giao thông vận tải và phát triển đô thị thuộc phạm vi quản lý của Bộ GTVT chậm nộp thuế VAT vì vốn đối ứng phải ưu tiên cho giải phóng mặt bằng (GPMB). Điều này dẫn tới tình trạng Ban quản lý dự án phải dự trù để chuyển tiền cho các địa phương thực hiện đền bù GPMB. 

Còn tại một trong những địa phương trọng điểm trong triển khai dự án ODA là Hải Phòng thì giải ngân vốn đối ứng chậm đang khiến kinh phí bố trí cho bồi thường GPMB chưa đáp ứng được yêu cầu. Nguyên nhân là do các dự án ODA trên địa bàn Thành phố tập trung vào các công trình hạ tầng kỹ thuật với quy mô tổng mức đầu tư lớn, vượt quá khả năng cân đối ngân sách của Thành phố. Điều này phần nào lý giải thực tế nhiều dự án lớn tại Hải Phòng sử dụng vốn vay ODA với mức vốn đăng ký lên tới hàng trăm tỷ đồng/năm nhưng giá trị giải ngân chỉ đạt khoảng 30%, thậm chí có khi chưa tới 10% con số đăng ký.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ KH&ĐT đã đề xuất Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu trình Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định 78/2010/NĐ-CP về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ, ban hành Nghị định chính quyền địa phương vay lại vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi và Nghị định cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ thông qua cơ quan cho vay lại chịu rủi ro tín dụng, nhằm chia sẻ gánh nặng cho ngân sách trung ương, đồng thời nâng cao trách nhiệm và hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Với việc giảm bớt gánh nặng ngân sách trung ương thông qua nguồn vốn bổ sung, sẽ góp phần giảm bớt áp lực tiến độ và thời hạn giải ngân vốn đối ứng vốn đang thường xuyên bị chậm trễ như hiện nay.