Tài chính – ngân sách 2016-2020: Hướng tới doanh nghiệp để tăng thu bền vững

Theo người đứng đầu ngành Tài chính, phải tạo mọi điều kiện để phát triển sản xuất- kinh doanh, thúc đẩy tái cơ cấu khu vực DNNN để đưa tốc độ tăng trưởng giai đoạn tới đạt mức cao hơn, tạo nền tảng để tăng thu ngân sách bền vững.
Tài chính – ngân sách 2016-2020: Hướng tới doanh nghiệp để tăng thu bền vững

Nhìn lại 5 năm qua, trong điều kiện kinh tế khó khăn và diễn biến khó lường, công tác chỉ đạo, điều hành tài chính - NSNN đã phát huy được vai trò tích cực, trong đó, đã chủ động góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế toàn cầu, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho DN, thu hút các dòng vốn đầu tư mới, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, cải thiện mạnh mẽ hạ tầng, đồng thời nâng cao mức đảm bảo an sinh xã hội.

Bước tiến toàn diện

Đánh giá về tình hình ngân sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Quy mô thu NSNN giai đoạn 2011-2015 bằng gần 2 lần giai đoạn 2006-2010 và bằng hơn 5 lần giai đoạn 2001-2005. Cơ cấu thu đã có chuyển biến tích cực, tỷ trọng thu nội địa bình quân giai đoạn đã tăng từ 58,9% (2006-2010) lên 68% (2011-2015), đến năm 2015 chiếm 74% tổng thu NSNN, cao hơn kế hoạch đề ra là 70%.

Tỷ lệ huy động từ thuế, phí vào NSNN bình quân khoảng 21% GDP, khá sát với kế hoạch đề ra, xấp xỉ mức động viên của cả giai đoạn 2001-2005 (khoảng 22% GDP), thấp hơn giai đoạn 2006-2010 (24,8% GDP).

Chi NSNN đã bám sát định hướng kế hoạch 5 năm, tập trung nhiều hơn cho thực hiện chính sách tiền lương và an sinh xã hội. Tuy nhiên, tỷ trọng huy động ngân sách từ nền kinh tế có xu hướng giảm, sức ép bố trí chi NSNN, đặc biệt là chi đảm bảo các chế độ chính sách an sinh xã hội. Riêng tốc độ tăng chi an sinh xã hội không kể chi tiền lương tăng bình quân khoảng 18%/năm, cao hơn cả tốc độ tăng thu và tăng chi NSNN. Chi trả nợ ngày càng lớn, kéo theo tỷ lệ bố trí chi đầu tư phát triển trong tổng chi NSNN giảm; bội chi NSNN ở mức cao hơn kế hoạch.

Đến cuối năm 2015, dư nợ công khoảng 61,3%, dư nợ Chính phủ khoảng 48,9% GDP và dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 41,5% GDP, được giữ trong phạm vi cho phép; các khoản vay nợ được trả đầy đủ, đúng hạn; từng bước tái cơ cấu danh mục nợ, kéo dài thời hạn vay nhằm giảm dần áp lực trả nợ, đảo nợ và rủi ro tái cấp vốn.

Cũng trong 5 năm qua, các cơ chế chính sách về cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại các DN đã được ban hành đầy đủ, đồng bộ và liên tục được điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với thực tiễn hoạt động của DN và tình hình thị trường, giúp DN hoàn thành Đề án tái cơ cấu được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cả giai đoạn có 422/538 DN đã cổ phần hóa, đạt 78% kế hoạch. Số lượng DNNN niêm yết sau cổ phần hóa liên tục gia tăng, trong đó, tổng tài sản tăng bình quân 12%/năm, tổng vốn chủ sở hữu tăng bình quân 16%/năm, tổng vốn đầu tư chủ sở hữu tăng bình quân 16%/năm.

Thị trường tài chính, bảo hiểm, dịch vụ tài chính tiếp tục phát triển ổn định và tích cực hơn so với giai đoạn trước. Quy mô huy động vốn qua thị trường chứng khoán gấp gần 4 lần so với giai đoạn 2006-2010, chiếm khoảng 23% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Quy mô và vai trò của thị trường bảo hiểm được nâng cao, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường giai đoạn 2010-2015 tăng trung bình 17%/năm, hoàn thành mục tiêu của cả giai đoạn. Dịch vụ kế toán, kiểm toán, thẩm định giá, tư vấn thuế, đại lý hải quan được hình thành và có những bước phát triển quan trọng.

Công tác quản lý giá đã có sự phối hợp điều hành tốt hơn giữa các cơ quan quản lý vĩ mô, tổ chức theo dõi, dự báo khá sát diễn biến thị trường, từ đó chủ động có các biện pháp điều tiết phù hợp, đưa lạm phát giảm mạnh (năm 2015 là 0,63%, thấp nhất trong 14 năm qua). Việc điều hành giá một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng thiết yếu tiếp tục kiên trì theo cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước, công khai, minh bạch trong điều hành giá, nhờ đó đã tạo được sự đồng thuận, giám sát từ phía xã hội.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2011-2015, Bộ Tài chính đã quyết liệt cải cách hành chính mà trọng tâm là trong lĩnh vực Thuế, Hải quan. Chỉ số cải cách hành chính của Bộ Tài chính tăng từ vị trí thứ 8 năm 2012 lên vị trí thứ 2 năm 2014. Lĩnh vực Thuế đã đơn giản hóa 492 thủ tục hành chính, bãi bỏ 113 thủ tục. Lĩnh vực Hải quan đã công bố, sửa đổi, bổ sung 298 thủ tục hành chính và bãi bỏ 42 thủ tục, rút ngắn số giờ nộp thuế. Hết năm 2015, số giờ kê khai thuế đã giảm được 420 giờ, từ mức 537 giờ/năm xuống còn 117 giờ/năm. Thời gian làm thủ tục hải quan đã được rút ngắn xuống bằng mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6. Một số hệ thống công nghệ thông tin hiện đại như Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS); Hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS, Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN,… được vận hành hiệu quả, ổn định.

Nâng dần tỷ lệ thu nội địa lên 80%

Giai đoạn 2016-2020, ngành Tài chính đã xác định mục tiêu là huy động, phân phối, quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính trong xã hội hiệu quả, công bằng theo các yêu cầu và định hướng phát triển KT-XH đất nước; từng bước cơ cấu lại NSNN, tiếp tục ưu tiên đầu tư hợp lý cho con người và giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh cải cách hành chính và tăng cường công tác quản lý giảm sát tài chính, đảm bảo an toàn nợ công.

Tỷ lệ huy động vào NSNN bình quân giai đoạn này vào khoảng 21-22% GDP, trong đó từ thuế, phí khoảng 19-20% GDP; nâng dần tỷ trọng thu nội địa đến 2020 đạt 80% tổng thu NSNN. Trả lời phỏng vấn Báo Hải quan mới đây, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, đối với chính sách thu thời gian tới sẽ tiếp tục rà soát để có những điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung phù hợp nhằm đảm bảo bao quát các nguồn thu, đối tượng thu, phù hợp với cam kết hội nhập quốc tế, giảm thiểu rủi ro do tác động của môi trường bên ngoài.

Trên thực tế, hiện nay tỷ lệ huy động vào ngân sách trên GDP của Việt Nam giảm nhiều so với các năm trước. Mức huy động ngân sách từ thuế và phí tính trên GDP của Việt Nam tương đương với các nước có thu nhập trung bình thấp, khoảng 26,4%, theo thống kê của IMF từ 48 nước (gồm cả Việt Nam) vào tháng 5-2011. Tuy nhiên, con số này giảm liên tục và tiệm cận mức huy động thời kỳ thấp nhất vào những năm cuối 1990-2000: Năm 2012 đạt 22,6% và năm 2014 đạt 21,5%.

Song quan trọng hơn, theo người đứng đầu ngành Tài chính, phải tạo mọi điều kiện để phát triển sản xuất- kinh doanh, thúc đẩy tái cơ cấu khu vực DNNN để tăng cường hiệu quả, đưa tốc độ tăng trưởng giai đoạn tới ở mức cao hơn, tạo nền tảng để tăng thu ngân sách bền vững. Trên cơ sở đó, động viên hợp lý nguồn lực vào NSNN, tạo điều kiện cải thiện môi trường đầu tư, tăng tích lũy cho DN, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế. Trong trước mắt cũng như lâu dài, đây vẫn được coi là giải pháp trọng tâm để cân đối ngân sách theo hướng bền vững, tăng thu, giảm chi để giảm dần bội chi ngân sách.

Trong giai đoạn 2016-2020, chi ngân sách cũng được cơ cấu lại. Cùng với việc ưu tiên bố trí chi cho đầu tư phát triển từ NSNN ở mức hợp lý, sẽ thúc đẩy mạnh mẽ các hình thức đầu tư ngoài NSNN, tiết kiệm triệt để chi thường xuyên, quyết liệt thực hiện tinh giản biên chế, thúc đẩy cải cách mạnh mẽ khu vực sự nghiệp công có điều kiện nhằm nâng cao hiệu quả chi, giảm áp lực bố trí chi từ NSNN; quản lý chặt chẽ vay và trả nợ, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Bên cạnh cân đối NSNN, Bộ Tài chính sẽ thực hiện cơ cấu lại các khoản vay của NSNN theo hướng tăng tỷ trọng vay trung hạn và dài hạn với lãi suất phù hợp, triển khai có hiệu quả các nghiệp vụ quản lý và xử lý rủi ro đối với danh mục nợ công; phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế để cơ cấu lại nợ trong nước của Chính phủ; nâng cao hiệu quả sử dụng các khoản vay của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ các khoản bảo lãnh Chính phủ, các khoản nợ của chính quyền địa phương, nợ xây dựng cơ bản; bảo đảm dư nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn quy định.

Một số chỉ tiêu tài chính giai đoạn 2016-2020:

Tỷ lệ huy động vào NSNN bình quân khoảng 21-22% GDP, trong đó từ thuế, phí khoảng 19-20% GDP; nâng dần tỷ trọng thu nội địa đến 2020 đạt 80% tổng thu NSNN.

Đến năm 2020, tỷ trọng chi đầu tư phát triển chiếm 19-20% tổng chi NSNN, tỷ trọng chi thường xuyên giảm xuống khoảng 58%.

Bội chi NSNN bình quân giai đoạn khoảng 4% GDP; duy trì dư nợ Chính phủ và nợ quốc gia trong giới hạn quy định, dư nợ công không quá 65%GDP, dư nợ Chính phủ không quá 55% GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.

Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 70% GDP vào năm 2020; dư nợ thị trường trái phiếu đạt 38% GDP vào năm 2020. Tổng doanh thu ngành bảo hiểm đạt 3-4% GDP vào 2020.

Tin cùng chuyên mục