Đóng góp của khu vực tư nhân vào GDP đang tăng lên đáng kể. Ảnh: Lê Tiên |
Đánh giá giữa kỳ về thực hiện Kế hoạch tái cơ cấu lại nền kinh tế 2016 - 2020 của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc họp tại phiên họp trước thềm Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV cho thấy, tăng trưởng kinh tế tiếp tục có chuyển biến tích cực.
Điểm nổi bật trong việc thực hiện Kế hoạch giai đoạn này là, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, các cân đối vĩ mô được tăng cường. Tăng trưởng kinh tế từng bước được cải thiện, đạt mức tăng khá trong những năm vừa qua. Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2016 đạt 6,21%, năm 2017 tăng lên 6,81% (vượt mục tiêu Quốc hội đề ra) và ước tính năm 2018 đạt 6,7%. Thậm chí, dự báo của các cơ quan nghiên cứu, tổ chức tài chính uy tín quốc tế đều cho thấy, nhiều khả năng tăng trưởng kinh tế năm 2018 sẽ vượt mức 6,7%. Như vậy, tính bình quân 3 năm 2016 - 2018, GDP tăng 6,57%, đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5% - 7% của Kế hoạch 2016 - 2020.
Cùng với đó, lạm phát cơ bản cũng được duy trì ổn định; cán cân tài khoản vãng lai thặng dư trở lại, dự trữ ngoại hối tăng; bội chi ngân sách từng bước được kiềm chế; tỷ lệ nợ công/GDP giảm từ 63,6% năm 2016 xuống còn 61,4% năm 2017 và 58,5% tính đến tháng 6/2018…
Nhưng quan trọng hơn, Chính phủ nhận xét, chất lượng tăng trưởng bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Tăng trưởng kinh tế dần dịch chuyển sang chiều sâu, thể hiện ở mức đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng kinh tế ngày một lớn. Năng suất lao động có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm, đồng thời Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN. Cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng tăng tỷ trọng của công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng của khai khoáng.
Đặc biệt, thực hiện chủ trương phát triển khu vực kinh tế tư nhân mà nòng cốt là các doanh nghiệp trở thành động lực tăng trưởng kinh tế, trong giai đoạn này, vai trò của khu vực tư nhân gia tăng, tỷ trọng của khu vực tư nhân trong GDP tăng từ 7,8% bình quân giai đoạn 2011 - 2015 lên 8,2% năm 2016 và 8,6% năm 2017. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu giữa khu vực FDI và khu vực trong nước đã thu hẹp dần qua các năm.
Với sự chuyển động này, nhiều chuyên gia khẳng định, xu hướng tái cơ cấu nền kinh tế đang đi đúng hướng, nền kinh tế Việt Nam đang trên đà tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế có sự chuyển động theo hướng tích cực…
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang ổn định và vững chắc hơn. Môi trường kinh doanh được cải thiện rất rõ nét, khác biệt. Nhìn từ quá trình tái cơ cấu kinh tế, nhất là giai đoạn 2016 - 2018, chúng ta thấy được nhiều kết quả ấn tượng trong từng ngành, lĩnh vực như: nông nghiệp, doanh nghiệp nhà nước, công nghiệp… Tăng trưởng kinh tế đang dựa nhiều vào phía cung, dựa vào tăng năng suất. Hiện nay, qua đóng góp của TFP, tăng năng suất lao động chiếm đa số trong tăng trưởng kinh tế.
Với những nền tảng vững chắc đó, tôi tin tưởng tăng trưởng kinh tế năm 2018 có thể đạt 6,88%.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương
Môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, đặc biệt là cải cách mạnh mẽ điều kiện kinh doanh, sự thay đổi về thủ tục hành chính. Nhờ đó, kinh tế Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2018 ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực trong sản xuất kinh doanh cũng như ổn định kinh tế vĩ mô. Tăng trưởng kinh tế 9 tháng cải thiện đáng kể do tăng trưởng GDP quý III cao hơn so với quý II (GDP quý I, II, III tăng trưởng lần lượt là: 7,45%, 6,73%, 6,88%). Bên cạnh đó, hoạt động sản suất kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Cơ cấu ngành công nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, gia tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm dần công nghiệp khai khoáng.
Ông Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh
Việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế đang có những kết quả rõ nét, kinh tế vĩ mô ổn định và tăng trưởng tốt lên. Kết quả đạt được có sự đóng góp trong công tác tham mưu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Thời gian qua, Bộ kế hoạch và Đầu tư đã khởi động được rất nhiều chương trình liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, nhất là đề xuất về việc thực hiện Nghị quyết 19. Qua mấy năm thực hiện, Nghị quyết 19 đã có những đóng góp rất tích cực trong việc thăng hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam trong bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới.