CMVietnam có kinh nghiệm thi công các dự án hạ tầng |
Tuy nhiên, vẫn có những lý do để hoài nghi về hiệu quả của hợp đồng này.
Hợp đồng treo nhiều năm
Tại thị trường Việt Nam, CMVietnam không phải nhà thầu thi công lớn so với các doanh nghiệp cùng ngành. Tuy nhiên, CMVietnam được biết đến với vai trò là nhà thầu tư nhân Việt Nam duy nhất đã từng thi công tại các dự án nước ngoài.
CMVietnam đã và đang triển khai nhiều hợp đồng thi công thuộc các dự án hạ tầng giá trị lớn khác như: Dự án Hầm giao thông đại lộ Đông Tây (Algeria) trị giá gần 462 tỷ đồng; Dự án Thủy điện Xayabury (Lào) trị giá 112 tỷ đồng, Dự án Thủy điện Xepian Xenamnoy (Lào) trị giá 171,1 tỷ đồng… Nổi bật trong số đó là hợp đồng hạng mục thi công bê tông nhà máy và bê tông đập trị giá 20,6 triệu USD (tương đương hơn 450 tỷ đồng) thuộc Dự án Thủy điện Sendje.
Theo thông tin từ CMVietnam, Dự án nằm trên sông Wele của thị trấn Sendje, cách TP. Bata khoảng 40 km. Nhà máy thủy điện gồm 4 tổ máy có công suất 200 MW. Chủ đầu tư là Chính phủ nước Cộng hòa Guinea Xích Đạo và nhà thầu chính EPC là Duglas Alliance Co., Ltd.
Hợp đồng thi công trị giá 20,6 triệu USD trên được CMVietnam triển khai nửa cuối năm 2015 và dự kiến hoàn thành hợp đồng trong năm 2017. Ngoài CMVietnam thi công hạng mục bê tông Nhà máy, một nhà thầu khác của Việt Nam là Công ty CP Lilama 10 cũng được Duglas Alliance lựa chọn cho hạng mục lắp đặt thiết bị của Nhà máy Thủy điện Sendje, giá trị hợp đồng giai đoạn 1 là 4,6 triệu USD.
Tuy nhiên, việc thi công dự án trên đã bị dừng ngay từ đầu tháng 2/2016 và CMVietnam đã rút gần hết nhân sự về nước từ thời điểm đó. Việc này khiến cho đà phát triển của Công ty tại các dự án xây lắp quốc tế giảm đáng kể.
Cụ thể, lợi nhuận của Công ty đã sụt giảm đáng kể từ năm 2016. Đến năm 2018, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của CMVietnam đạt mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Cụ thể, doanh thu thuần chỉ đạt 281 tỷ đồng, bằng 64% của năm 2017. Còn lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 1 tỷ đồng, thấp hơn đáng kể so với con số 5,7 tỷ đồng đạt được trong năm 2017. Cũng phải nói thêm rằng, trong giai đoạn từ năm 2015 đến nay, CMVietnam cũng phải trích lập dự phòng nợ xấu từ Công ty CP Cavico Điện lực và Tài nguyên.
(Đơn vị tính: tỷ đồng)
Kỳ vọng cải thiện kết quả kinh doanh
Nguồn tin từ website Chính phủ nước Cộng hòa Guinea Xích Đạo cho biết, Chính phủ nước này đã tổ chức nhiều cuộc họp với nhà thầu chính của Dự án Thủy điện Sendje và đã ký kết một hợp đồng bổ sung vào ngày 27/3/2018. Chính phủ Cộng hòa Guinea Xích Đạo đã dự toán một khoản trong tổng ngân sách để thực hiện Dự án Thủy điện Sendje. Dự kiến, Nhà máy sẽ được hoàn thành và bàn giao cho Chính phủ nước này trong khoảng thời gian 31 tháng.
Ông Nguyễn Văn Thắng - Trưởng phòng Hành chính - Nhân sự của CMVietnam xác nhận là Dự án đã được tái khởi động, CMVietnam đã đưa lao động sang thi công từ cuối năm 2018. Nhà thầu chính vẫn là Duglas Alliance.
Theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, Duglas Alliance Co., Ltd. là một công ty của Anh được thành lập vào tháng 2/2009, với vốn điều lệ chỉ 1.000 GBP. Đến giữa năm 2014, công ty này tăng vốn điều lệ lên thành 1 triệu GBP (tương đương khoảng 35 tỷ đồng). Duglas Alliance Co., Ltd. là doanh nghiệp chuyên về xây dựng các nhà máy thủy điện và thiết bị công nghiệp. Theo giới thiệu từ website của Duglas Alliance, Thủy điện Sendje là dự án lớn nhất của doanh nghiệp này.
Tái khởi động hợp đồng thi công lớn sẽ giúp CMVietnam cải thiện được kết quả kinh doanh trong các năm tới. Dù vậy, vẫn có nhiều hoài nghi khi Dự án đã từng bị “đóng băng” hơn 2 năm. Bên cạnh đó, dữ liệu trên phần nào cho thấy quy mô tương đối nhỏ và kinh nghiệm ít ỏi trong việc thực hiện các dự án lớn của nhà thầu chính Duglas Alliance.