Tài trợ lập quy hoạch: Tự nguyện, không gắn với lựa chọn nhà đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Xây dựng nhấn mạnh, việc tài trợ kinh phí lập quy hoạch không được làm ảnh hưởng tới lợi ích chung của cộng đồng, của xã hội cũng như tính minh bạch trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch và không gắn với việc lựa chọn nhà đầu tư.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh thành phố về việc tăng cường quản lý công tác lập quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng.

Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm các quy định về tài trợ kinh phí để lập quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng theo đúng quy định pháp luật.

Việc sử dụng kinh phí tài trợ lập quy hoạch phải đảm bảo thực hiện theo đúng quy định pháp luật về quy hoạch, quy hoạch đô thị, xây dựng; pháp luật về ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật khác liên quan.

Ngoài ra, theo Bộ Xây dựng, việc triển khai lập đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng được các tổ chức, cá nhân tài trợ kinh phí phải đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật về trách nhiệm, thẩm quyền và trình tự, thủ tục tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt theo quy định tại Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm đảm bảo việc tài trợ kinh phí lập quy hoạch là tự nguyện, không điều kiện, không vì lợi ích của nhà tài trợ làm ảnh hưởng tới lợi ích chung của cộng đồng, của xã hội.

Bộ Xây dựng cũng cho biết, việc lựa chọn nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo quy hoạch được duyệt phải tuân thủ theo quy định pháp luật về đầu tư, kinh doanh bất động sản, đất đai và pháp luật khác có liên quan; không để lợi dụng trục lợi, lợi ích nhóm… đảm bảo công khai, minh bạch và công bằng.

Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, xây dựng kế hoạch lập quy hoạch, lập danh mục dự án quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng và kế hoạch kinh phí từ ngân sách nhà nước làm cơ sở để chủ động bố trí kinh phí lập quy hoạch trên địa bàn theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 44/2015 của Chính phủ...

Thực tế thời gian qua, theo quan sát của Báo Đấu thầu, một số dự án đầu tư có sử dụng đất khi đưa ra lựa chọn nhà đầu tư có đưa những điều kiện mang tính định hướng, hạn chế sự tham gia của nhà đầu tư, dẫn đến chỉ có 1 nhà đầu tư trúng sơ tuyển sau đó được chỉ định thầu (thời gian trước Nghị định 25/2020/NĐ-CP) và 1 nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ, năng lực kinh nghiệm dẫn đến không thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư (sau khi Nghị định 25/2020/NĐ-CP có hiệu lực). Trong nhiều trường hợp, nhà đầu tư được chỉ định thầu hoặc nhà đầu tư duy nhất đáp ứng sơ bộ năng lực, kinh nghiệm chính là doanh nghiệp đã tài trợ lập quy hoạch hoặc “có quan hệ” với doanh nghiệp tài trợ lập quy hoạch cho địa phương trước đó.

Tin cùng chuyên mục