Ảnh Internet |
Thay vì gia tăng đầu tư vào các sản phẩm có độ ổn định và an toàn cao (trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp và tiền gửi có kỳ hạn), Tổng công ty lại tìm kiếm lợi nhuận từ thị trường cổ phiếu.
Lãi ròng đạt 32 tỷ đồng, giảm 38,5%
Theo báo cáo tài chính bán niên 2018, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2018 của Bảo hiểm Bưu điện giảm tới 38,5% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 32 tỷ đồng. Với mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2018 là 148,5 tỷ đồng, Bảo hiểm Bưu điện mới chỉ hoàn thành 21,5% kế hoạch lợi nhuận sau 6 tháng.
Các mảng kinh doanh của Bảo hiểm Bưu điện đều ghi nhận tăng trưởng doanh thu, đặc biệt là doanh thu từ hoạt động lõi - kinh doanh bảo hiểm tăng trưởng tới 17,6%, đạt 1.513 tỷ đồng. Các hoạt động khác như kinh doanh xăng dầu và cung cấp thiết bị viễn thông tăng trưởng 24% (từ 55,3 tỷ đồng lên 68,6 tỷ đồng), doanh thu hoạt động tài chính tăng trưởng 26%, đạt 151 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chi phí tài chính của Tổng công ty lại tăng đột biến từ 51,5 tỷ đồng lên 126 tỷ đồng và là nguyên nhân chính dẫn đến sụt giảm lợi nhuận của Bảo hiểm Bưu điện. Chi phí tài chính tăng mạnh là do phải trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư vào cổ phiếu. Cụ thể, tại thời điểm cuối quý II/2018, Bảo hiểm Bưu điện phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh hơn 88,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2017 con số này chỉ là 5,6 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối quý II/2018, tổng giá trị danh mục cổ phiếu của Bảo hiểm Bưu điện đã tăng gấp 2,2 lần so với thời điểm đầu năm, đạt 632,8 tỷ đồng. Có lẽ sự hấp dẫn của thị trường chứng khoán những tháng đầu năm là yếu tố khiến Bảo hiểm Bưu điện quyết định “rót tiền” vào lĩnh vực đầy rủi ro này.
Vẫn còn rủi ro
Trong 6 tháng đầu năm 2018, Bảo hiểm Bưu điện đã gia tăng đáng kể khoản đầu tư vào cổ phiếu LPB của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, từ 56,6 tỷ đồng lên 124,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây cũng là khoản đầu tư mà Bảo hiểm Bưu điện phải trích lập dự phòng giảm giá nhiều nhất trong danh mục cổ phiếu với 17,8 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Tổng công ty cũng “rót tiền” vào các cổ phiếu mới như: OIL của Tổng công ty Dầu Việt Nam (giá gốc 112 tỷ đồng, trích lập dự phòng 17,4 tỷ đồng); POW của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (giá gốc gần 82 tỷ đồng, trích lập dự phòng 9,9 tỷ đồng). Ngoại trừ các khoản đầu tư lớn kể trên, Bảo hiểm Bưu điện cũng ghi nhận 203,8 tỷ đồng đầu tư vào các cổ phiếu khác với số trích lập dự phòng tương ứng là 31,5 tỷ đồng.
Dựa trên thuyết minh báo cáo tài chính bán niên 2018, giá trị hợp lý để tính mức dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc được giao dịch trên sàn UPCOM của Bảo hiểm Bưu điện là giá đóng cửa vào ngày 29/6.
Với mức giá đóng cửa phiên giao dịch ngày 19/9, có thể tính được giá trị mà Tổng công ty phải trích lập thêm cho 2 cổ phiếu LPB và OIL vào khoảng hơn 23 tỷ đồng so với thời điểm 29/6 (với điều kiện số lượng cổ phiếu OIL và LPB trong danh mục của Bảo hiểm Bưu điện không đổi so với thời điểm cuối quý II/2018). Trong khi đó, với giá đóng cửa 15.300 đồng, cổ phiếu POW đang mang lại lợi nhuận khoảng 12,1 tỷ đồng so với thời điểm 29/6.
Thị trường chứng khoán thường đem lại lợi nhuận cao nhưng rủi ro cũng rất lớn. Trong khi giá trị danh mục cổ phiếu đầu tư của Bảo hiểm Bưu điện tại thời điểm cuối quý II/2018 đạt 632,8 tỷ đồng, lớn hơn nhiều so với các doanh nghiệp cùng ngành như: Công ty CP PVI (khoảng 466,7 tỷ đồng), Tổng công ty CP Bảo hiểm BIDV (147 tỷ đồng), Tổng công ty CP Bảo Minh (249 tỷ đồng) và Tổng công ty CP Bảo hiểm Petrolimex (104 tỷ đồng).