Tăng hạng về phòng, chống tham nhũng

(BĐT) - Những kết quả tích cực, rõ rệt, toàn diện trong phòng, chống tham nhũng không chỉ được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) khẳng định trong Phiên họp toàn thể lần thứ 13 diễn ra cách đây tròn 1 tháng, mà còn được các tổ chức quốc tế ghi nhận và đánh giá cao hơn trong lần xếp hạng mới nhất.

Tăng điểm phòng, chống tham nhũng

Ngày hôm qua (22/2), Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) đã công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2017, xếp hạng 180 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên ý kiến đánh giá của các chuyên gia và doanh nhân về tham nhũng trong khu vực công.

Theo đó, Việt Nam đạt 35/100 điểm, xếp hạng 107/180 toàn cầu, tăng 6 bậc so với năm 2016. Tổ chức Hướng tới minh bạch (TT), cơ quan đầu mối quốc gia của TI tại Việt Nam cho rằng, việc tăng điểm CPI trong hai năm liên tiếp (2016 - 2017) là chỉ báo tích cực đối với các nỗ lực phòng, chống tham nhũng (PCTN) của Việt Nam.

Kết quả hoạt động năm 2017 cho thấy, với những cam kết mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước, công tác PCTN trong nước đã đạt được một số kết quả nổi bật, bao gồm việc xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng liên quan đến nhiều cán bộ cấp cao. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật về PCTN hiện hành theo hướng phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Quốc hội đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng...; cho ý kiến đối với dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi), dự thảo Luật PCTN (sửa đổi, bổ sung)...

Các cơ quan thanh tra, kiểm toán các cấp đã tập trung thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực có nhiều dư luận tiêu cực, tham nhũng. Đã phát hiện 50 vụ có hành vi liên quan đến tham nhũng; kiến nghị thu hồi 43.321 tỷ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 2.093 tập thể và cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 114 vụ việc, 192 đối tượng; tiến hành thanh tra toàn diện 4 dự án, rà soát việc thanh tra 7 dự án gây thất thoát, thua lỗ lớn, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm. Qua kiểm toán đã kiến nghị thu về ngân sách nhà nước 15.222 tỷ đồng, chuyển hồ sơ, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền điều tra 5 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. 

Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng khu vực công

Tuy nhiên, xét trên thang điểm từ 0 - 100 của CPI, trong đó 0 là rất tham nhũng và 100 là rất trong sạch, TT cho rằng, vấn đề tham nhũng trong khu vực công ở Việt Nam vẫn rất nghiêm trọng.

Trong bối cảnh Việt Nam đang triển khai Kế hoạch Hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, nhằm đạt được những thay đổi mang tính hệ thống, bền vững và “giảm đáng kể mọi loại hình tham nhũng và hối lộ” đến năm 2030 (Mục tiêu 16.5), Việt Nam cần đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, củng cố và xây dựng các thể chế hiệu quả, gắn với trách nhiệm giải trình và có sự tham gia của toàn xã hội.

Do đó, TT khuyến nghị, Nhà nước cần nâng cao tính hiệu quả trong công tác giám sát của Quốc hội và tính độc lập trong xét xử của các cơ quan tư pháp. Cùng với đó, đẩy mạnh nỗ lực PCTN trong các lĩnh vực người dân thường xuyên phải đối mặt với hối lộ và tham nhũng (cảnh sát, y tế công và giáo dục công). Thiết lập và củng cố cơ chế tham gia hiệu quả để người dân, báo chí và các tổ chức xã hội tham gia vào quá trình ra quyết định và giám sát các hoạt động quản lý nhà nước. Hoàn thiện cơ sở pháp luật về bảo vệ người tố cáo tham nhũng nhằm khuyến khích sự tham gia của người dân và cộng đồng vào công tác PCTN...

Đối với doanh nghiệp, tham nhũng đe dọa đến khả năng cạnh tranh công bằng. Vì vậy, doanh nghiệp cần chủ động tham gia PCTN, xây dựng môi trường kinh doanh liêm chính để phát triển bền vững, nâng cao uy tín và tăng lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Đồng thời, tăng cường năng lực PCTN nội bộ, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhà nước, bao gồm xây dựng, thực hiện và công bố công khai chương trình PCTN của doanh nghiệp trên các trang thông tin điện tử, trên cơ sở tham khảo các chuẩn mực quốc tế.

Tin cùng chuyên mục