Tăng “sức đề kháng” cho nền kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thế và lực của Việt Nam đã và đang được củng cố, nâng tầm. Việt Nam đã chủ động và dẫn dắt trong các khuôn khổ hội nhập song phương và đa phương. Trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn còn nhiều yếu tố bất định, tiềm ẩn rủi ro…, việc khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA), mở rộng và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu (XK), không để phụ thuộc quá lớn vào một thị trường là giải pháp được Chính phủ nhấn mạnh thực hiện trong thời gian tới.
Tiếp tục cải cách nhằm tháo gỡ các “nút thắt” cho doanh nghiệp phát triển chính là giải pháp tăng “sức đề kháng” cho doanh nghiệp, nền kinh tế. Ảnh: Nhã Chi
Tiếp tục cải cách nhằm tháo gỡ các “nút thắt” cho doanh nghiệp phát triển chính là giải pháp tăng “sức đề kháng” cho doanh nghiệp, nền kinh tế. Ảnh: Nhã Chi

Xuất khẩu trở thành một động lực tăng trưởng

Đánh giá hoạt động xuất nhập khẩu giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Công Thương cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng đến tăng trưởng XK, hoạt động này vẫn đạt những kết quả tích cực, đáng khích lệ. Điểm nổi bật là XK tăng trưởng cao và liên tục; công tác phát triển và mở rộng thị trường, đa dạng hóa mặt hàng XK và kiểm soát nhập khẩu đạt hiệu quả cao. XK là một động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.

Cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư trong giai đoạn này với mức xuất siêu năm sau cao hơn năm trước, qua đó đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP, tạo công ăn việc làm, tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là nông sản hàng hóa cho người nông dân.

Cơ cấu xuất nhập khẩu đã có những chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững hơn, giảm hàm lượng XK thô, tăng XK sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, phù hợp với lộ trình thực hiện Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Khác với các năm trước đây, động lực tăng trưởng XK trong 2 năm qua không đến từ nhóm nông sản, thủy sản mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp. Cụ thể, năm 2020, trong khi XK nhóm nông sản, thủy sản giảm khoảng 2,5%; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản giảm 35% thì nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 7% so với năm 2019. Tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm trên 86,1% tổng kim ngạch XK, cao hơn mức 84,2% của năm 2019; 82,9% của năm 2018 và 81,1% của năm 2017.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, trước các cú sốc của kinh tế thế giới, một trong những giải pháp để tăng “sức đề kháng” cho DN xuất nhập khẩu là phải đứng vững trên thị trường nội địa.

Quy mô các mặt hàng XK tiếp tục được mở rộng. Số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên tăng qua các năm, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch XK của cả nước. Nếu như năm 2016 có 25 mặt hàng XK đạt kim ngạch 1 tỷ USD, chiếm khoảng 88,7% tổng kim ngạch XK, thì năm 2020 là 31 mặt hàng (trong đó có 9 mặt hàng XK trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng XK trên 10 tỷ USD), chiếm tỷ trọng 92% tổng kim ngạch XK.

Thị trường XK, nhập khẩu được mở rộng, không chỉ tăng cường ở các thị trường truyền thống mà còn khai thác được các thị trường mới, tiềm năng và tận dụng hiệu quả các FTA. Hàng hóa XK của Việt Nam đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới, nhiều sản phẩm dần có chỗ đứng vững chắc và nâng cao được khả năng cạnh tranh tại những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Mỹ, Australia...

XK của khu vực DN trong nước ngày càng cải thiện về tỷ trọng trong tổng kim ngạch XK và tốc độ tăng trưởng. Nhập khẩu tập trung chủ yếu ở nhóm hàng cần thiết phục vụ sản xuất, XK và phục vụ các dự án đầu tư trong nước.

Đẩy mạnh cải cách, tăng năng lực nội tại

Kim ngạch XK tăng trưởng cao, cơ cấu xuất nhập khẩu chuyển dịch tích cực, thị trường XK được mở rộng, song nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo, “sức đề kháng” của các doanh nghiệp (DN) trước các cú sốc từ bên ngoài còn hạn chế.

Nhìn lại cùng thời điểm này năm ngoái, đại dịch Covid-19 sau khi bùng phát ở Trung Quốc đã lây lan trên thế giới như một đòn giáng mạnh làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Hoạt động sản xuất kinh doanh của rất nhiều DN trên toàn cầu bị gián đoạn do thiếu nguồn cung nguyên vật liệu, bởi lâu nay, Trung Quốc là một trong những quốc gia cung ứng đầu vào chuỗi sản xuất trên thế giới. Tại thời điểm đó, Cục Công nghiệp thuộc Bộ Công Thương cho biết, nhiều ngành công nghiệp của Việt Nam chịu ảnh hưởng của sự đứt gãy nguồn cung này như: điện - điện tử, dệt may, da giày, sản xuất, lắp ráp ô tô... do phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc và các quốc gia khác đang chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (Hàn Quốc, Nhật Bản).

“Tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc và các nền kinh tế ở Đông - Bắc Á ở cả đầu ra lẫn đầu vào của nhiều ngành kinh tế đã làm cho thị trường Việt Nam dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định.

Hay nhìn vào XK, mặc dù tỷ trọng giá trị XK của khối DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã giảm trong thời gian qua nhưng vẫn chiếm trên 64% tổng giá trị XK cả nước. Trong khi đó, sản xuất và XK của khối này phụ thuộc rất lớn vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, nên mỗi khi có biến động xảy ra với chuỗi cung ứng, XK sẽ chịu tác động mạnh.

Một hạn chế khác là phần lớn các mặt hàng nông sản XK của Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu riêng, vị thế chưa ổn định và vững chắc. Đáng lo ngại, theo một số thông tin phản ánh gần đây, sau nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột,… thương hiệu gạo ST25 có nguy cơ bị DN ngoại đăng ký bảo hộ ở nước ngoài (Mỹ). Đây tiếp tục là hồi chuông cảnh báo cho tất cả các DN khi đã có định hướng XK phải xây dựng chiến lược phát triển thị trường gắn với bảo vệ, đăng ký sở hữu trí tuệ cho thương hiệu, sản phẩm XK, nhãn hiệu thương mại.

Ông Lộc cho rằng, trước các cú sốc của kinh tế thế giới, một trong những giải pháp để tăng “sức đề kháng” cho DN xuất nhập khẩu là phải đứng vững trên thị trường nội địa. “Trong dài hạn, DN phải thật sự coi trọng thị trường trong nước, đồng thời đa dạng hóa thị trường quốc tế, định hình lại các chuỗi giá trị thông qua tái cấu trúc nền kinh tế, tăng năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu, giảm sự phụ thuộc quá lớn vào bất kỳ thị trường nào”, ông Lộc khuyến nghị.

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh, mục đích tham gia các FTA thế hệ mới của Việt Nam không chỉ là tăng cường XK, mở rộng sản xuất, thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài… mà còn coi các cam kết này là chất xúc tác để cải cách thể chế, cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, cơ cấu lại nền kinh tế, đa dạng hóa thị trường để tăng sức chống chịu của nền kinh tế, giảm thiểu tác động của chệch hướng thương mại. Do đó, Chính phủ cần tiếp tục công cuộc cải cách gắn với xu thế mới, tận dụng cơ hội từ các FTA, làn sóng dịch chuyển đầu tư… nhằm tháo gỡ “nút thắt” cho DN phát triển. Đó chính là giải pháp tăng “sức đề kháng” cho DN, nền kinh tế trước các biến động. “Nếu DN còn khó ở trong nước thì khó có thể tận dụng cơ hội ở bên ngoài”, ông Thành nhìn nhận.