Hiện nhiều doanh nghiệp thiếu nguyên liệu sản xuất do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: Lê Tiên |
Covid-19 “làm khó” doanh nghiệp
Bộ Công Thương cho biết, hiện nhiều DN dệt may, da giầy đang phải đối mặt với khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tại cuộc làm việc giữa Cục Công nghiệp thuộc Bộ với các DN dệt may, da giầy ngày 10/2, ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Hóa Dệt Hà Tây (xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, Hà Nội), chia sẻ, sản phẩm của DN có tỷ lệ nội địa hóa cao như: đế giày, vật tư, các chi tiết trang trí... 100% từ trong nước. Tuy nhiên, một số vải đặc chủng (vải dệt kẻ, vải in hoa...) thì vẫn cần nhập khẩu, trong đó có thị trường Trung Quốc. “Đến thời điểm này, nguyên liệu của Công ty còn đủ sản xuất đến giữa tháng 3”, ông Tùng lo lắng.
Ông Nguyễn Hữu Thành, Giám đốc Công ty CP Kết nối châu Âu - Eurolink (Khu công nghiệp Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, tình hình sản xuất kinh doanh quý I/2020 đang gặp khó khăn do thiếu hụt nguyên liệu. Kế hoạch tham gia các chương trình triển lãm phục vụ phát triển giai đoạn 2020 - 2025, các hội chợ kết nối giao thương... cũng bị ảnh hưởng.
Đối với nông sản, nhiều địa phương cho biết, các sản phẩm chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh như: xoài, thanh long, dưa hấu… ùn ứ tại các cửa khẩu xuất sang Trung Quốc do quốc gia này lùi thời gian thông quan hàng hóa trở lại.
Một báo cáo đánh giá ảnh hưởng của dịch Covid-19 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện cũng nhấn mạnh ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới các DN, nhất là DN nhỏ và vừa, hợp tác xã của Việt Nam. Bởi lẽ, với năng lực tài chính, sản xuất còn nhiều hạn chế, đối tượng này chịu nhiều tác động trực tiếp và gián tiếp từ dịch trong tất cả các khâu từ tiêu thụ sản phẩm, nguồn vốn cho tái sản xuất, khả năng thanh khoản, thực hiện nghĩa vụ tài chính, huy động lao động, chi phí đầu vào… Nhiều DN trong nước có sử dụng chuyên gia quản lý, chuyên gia kỹ thuật Trung Quốc cũng gặp khó khăn trong việc ổn định nhân lực, triển khai sản xuất sau Tết Nguyên đán.
Theo đó, dự báo số lượng DN thành lập mới có xu hướng giảm ở hầu hết các lĩnh vực so với cùng kỳ năm 2019 (15/17 ngành). Trong đó, lĩnh vực nghệ thuật, vui chơi và giải trí giảm mạnh nhất với 23%; tiếp đó là bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy giảm 11,8%; dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 14,5%...
Cấp thiết cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp
Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến thời điểm này, hầu hết các bộ, ngành và địa phương đã ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết 02/2020/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020. Tại các kế hoạch này, nhiều nhiệm vụ và giải pháp triển khai cụ thể đã được vạch ra nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho sự phát triển của DN như: Tiếp tục cải cách các quy định về điều kiện kinh doanh; cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN…
Trước “cú sốc” dịch bệnh đang gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, ở thời điểm này, việc nhận diện các vướng mắc, hỗ trợ DN vượt qua khó khăn là điểm mấu chốt. Vấn đề hiện không đơn thuần chỉ là tháo bỏ rào cản cho DN, vì nhiều DN Việt Nam đang gặp khó khăn về đầu vào và đầu ra sản phẩm; bị phụ thuộc nguồn nguyên liệu từ thị trường Trung Quốc; phụ thuộc lao động (chuyên gia nước ngoài) từ thị trường này. Do đó, trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh cải cách, tạo thuận lợi, giảm chi phí không cần thiết, cần thực hiện thêm các biện pháp hỗ trợ cho DN như hỗ trợ lãi suất, thuế, giãn nợ…
Để hỗ trợ DN xuất khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19, dịch cúm gia cầm đang ảnh hưởng tới xuất nhập khẩu hàng hoá qua biên giới, tuần trước, lãnh đạo Chính phủ đã tổ chức một cuộc họp nhằm tiếp tục cải cách thủ tục hỗ trợ xuất nhập khẩu. Tại cuộc họp, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu cần phân tích, đánh giá thực trạng ảnh hưởng của dịch bệnh tới việc bao tiêu hàng hoá, từ đó bổ sung biện pháp cụ thể, thiết thực trong kiểm tra chuyên ngành, thông quan để vừa đáp ứng nhu cầu kiểm soát dịch bệnh, nhưng không để ách tắc hàng hoá, tạo điều kiện cho DN làm ăn, bảo đảm giao thương.