Tăng thu bền vững, tiết kiệm chi hiệu quả

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024 tăng hơn 20% so với dự toán, thu NSNN quý I/2025 tăng hơn 29% so với cùng kỳ năm trước với cơ cấu nguồn thu ngày càng bền vững. Công tác tiết kiệm chi được đẩy mạnh với việc đã hoàn thành phương án tiết kiệm ngay 10% chi thường xuyên trong những tháng đầu năm. Đây là những điểm sáng trong bức tranh tài chính ngân sách năm 2024 và những tháng đầu năm 2025.
Tổng thu ngân sách nhà nước quý I/2025 ước đạt 721,3 nghìn tỷ đồng, bằng 36,7% dự toán, tăng 29,3% so với cùng kỳ năm 2024. Ảnh: Tiên Giang
Tổng thu ngân sách nhà nước quý I/2025 ước đạt 721,3 nghìn tỷ đồng, bằng 36,7% dự toán, tăng 29,3% so với cùng kỳ năm 2024. Ảnh: Tiên Giang

Ngày 5/5/2025, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và NSNN năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và NSNN những tháng đầu năm 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, công tác quản lý thu NSNN được thực hiện chặt chẽ, khai thác tối đa nguồn thu còn dư địa và triển khai các giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu hiệu quả, bền vững.

Cụ thể, thu NSNN năm 2024 đạt 2.043,7 nghìn tỷ đồng, tăng 20,1% so với dự toán; tổng chi NSNN đạt 2.477,4 nghìn tỷ đồng. Đã tiếp tục thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân với số tiền khoảng 197,3 nghìn tỷ đồng. Bội chi NSNN năm 2024 ước đạt 359,7 nghìn tỷ đồng, bằng 3,1% GDP thực hiện năm 2024, giảm khoảng 39,6 nghìn tỷ đồng so với dự toán, giảm 29,7 nghìn tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội; nợ quốc gia ở mức an toàn, tỷ lệ nợ công/GDP ở mức 34,7%, nợ chính phủ ở mức 32,2%, nợ nước ngoài ở mức 31,8%.

Trong quý I/2025, tổng thu NSNN ước đạt 721,3 nghìn tỷ đồng, bằng 36,7% dự toán, tăng 29,3% so với cùng kỳ năm 2024. Cơ cấu nguồn thu theo hướng bền vững, thu nội địa ước đạt 38,7% dự toán, tăng 34,5% so với cùng kỳ năm 2024, bảo đảm nguồn lực cho đầu tư phát triển, an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ khi sắp xếp, tỉnh gọn bộ máy.

Tổng chi cân đối NSNN quý I/2025 ước đạt 428,2 nghìn tỷ đồng, bằng 16,8% dự toán, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2024; đáp ứng yêu cầu phát triển KTXH, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn... Tăng cường triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để tập trung cho đầu tư phát triển; đã hoàn thành phương án tiết kiệm ngay 10% chi thường xuyên, tăng thêm dự toán năm 2025 so với dự toán năm 2024 để bổ sung đầu tư cho tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong thời gian tới kỷ luật, kỷ cương tài chính - NSNN sẽ tiếp tục được tăng cường, triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả thu NSNN. Đồng thời, nghiên cứu phương án điều chỉnh bội chi ngân sách nhà nước lên mức khoảng 4 - 4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển khi cần thiết, phấn đấu tăng trưởng ít nhất 8% năm 2025; hoàn thiện phương án phát hành trái phiếu chính phủ để bổ sung nguồn lực đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm. Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất... để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đặc biệt trong các ngành nghề, lĩnh vực có thể bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế của Mỹ, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch, tiêu dùng trong nước trong năm 2025.

Trình bày Báo cáo thẩm tra về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH & NSNN năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH & NSNN những tháng đầu năm 2025, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội (UBKT&TC) Phan Văn Mãi cho rằng, kết quả thu NSNN tăng cao so với dự toán thể hiện sự chỉ đạo đúng đắn của Đảng, quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, sự đồng hành của Quốc hội, sự cố gắng của cả hệ thống chính trị.

Ủy ban KT&TC cho rằng, trong thời gian tới, cần điều hành chi ngân sách chủ động, tiết kiệm, hiệu quả; tăng cường quản lý thuế, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế; kiểm soát bội chi và nợ công trong giới hạn an toàn; mở rộng hợp lý chính sách tài khóa để thúc đẩy đầu tư phát triển.

Về kiến nghị của Chính phủ trình Quốc hội bổ sung dự toán ngân sách trung ương (NSTW) năm 2025 để chi trả chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp, kiện toàn bộ máy, Chủ nhiệm Ủy ban KT&TC Phan Văn Mãi cho biết, đa số ý kiến nhất trí việc trình Quốc hội xem xét, quyết định bố trí 44 nghìn tỷ đồng như phương án Chính phủ trình và giao Chính phủ tổ chức thực hiện cụ thể theo đúng quy định của Luật NSNN.

Bên cạnh đó, Ủy ban KT&TC nhất trí về chủ trương bố trí 3% tổng chi NSNN năm 2025 cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia như tờ trình của Chính phủ. Trường hợp cần bố trí kinh phí từ nguồn điều chỉnh dự toán NSTW năm 2025 đã bố trí cho các nhiệm vụ nhưng chưa phân bổ từ đầu năm, Chính phủ cần báo cáo Quốc hội theo đúng thẩm quyền.

Đồng thời, Ủy ban KT&TC nhận thấy, trong nhiều năm qua việc sử dụng, giải ngân nguồn NSNN cho khoa học, công nghệ là khá chậm, làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn. Vì vậy, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương bám sát định hướng của Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, có giải pháp triển khai kịp thời và chịu trách nhiệm toàn diện về phân bổ, giải ngân, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực, bảo đảm không thất thoát, lãng phí.

Tin cùng chuyên mục