Các chuyên gia không đồng tình với việc tăng thuế VAT vì sẽ khiến giá nhà tăng. |
Theo các chuyên gia bất động sản, sản phẩm bất động sản sử dụng hàng nghìn sản phẩm của nhiều ngành sản xuất khác nhau từ khâu thi công xây dựng, kinh doanh đến dịch vụ. Do đó, việc tăng thuế VAT từ 10% lên 12% kể từ ngày 1/1/2019 sẽ khiến giá nguyên vật liệu đầu vào, giá thi công tăng lên. Điều này đồng nghĩa với việc giá bán nhà cũng tăng lên, giao dịch bất động sản có thể sụt giảm.
Các sản phẩm bất động sản phân khúc dành cho người thu nhập thấp và trung bình hiện nay có giá trung bình khoảng 1-2 tỷ đồng. Việc tăng thuế VAT lên 12% sẽ khiến người tiêu dùng chịu thêm nhiều áp lực, đặc biệt ở phân khúc nhà giá rẻ vì giá có thể tăng thêm vài chục triệu tới hàng trăm triệu đồng.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, để đảm bảo chính sách về nhà ở xã hội thì nên cân nhắc không nên tăng đồng loạt mà chỉ tăng ở hạng mục hàng hóa cao cấp, biệt thự, khu nghỉ dưỡng, những loại nhà cho người thu nhập cao, không ảnh hưởng đến quyền lợi người thu nhập trung bình và thấp. Với người giàu thì tăng giá nhà vài chục triệu không đáng kể nhưng với người nghèo lại là cả vấn đề.
Đồng quan điểm, chuyên gia Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường cho rằng, việc đánh thuế cao lên sẽ làm tăng chi phí cho khu vực nhà giá rẻ mà trong khi đáng lẽ chính sách lại cần giảm nhiều loại thuế hơn nữa.
Cũng theo các chuyên gia, hiện tại Bộ Tài chính chưa đưa ra một nghiên cứu cụ thể nào về tác động của việc tăng thuế đến ngân sách, nền kinh tế và người dân. Nếu tăng từ 10% lên 12%, ngân sách sẽ bổ sung thêm bao nhiêu tiền và đời sống của người dân sẽ bị ảnh hưởng như thế nào, đặc biệt là người nghèo.
Với thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam hiện nay chỉ hơn 2.000 USD/năm, việc tăng thuế chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến người dân, đặc biệt là những người dân nghèo đang có nhu cầu mua nhà ở.
Không chỉ đề xuất tăng thuế VAT mà dự thảo Luật của Bộ Tài chính còn dự kiến áp thuế VAT khi chuyển quyền sử dụng đất. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, điều này là không hợp lý.
Theo ông Châu, tại khoản 6 Điều 5 Luật Thuế VAT hiện hành quy định: “Chuyển quyền sử dụng đất” thuộc đối tượng không chịu thuế VAT là hoàn toàn đúng để không xảy ra tình trạng thuế chồng thuế, phù hợp với tình hình thực tiễn và có lý có tình. Nay, dự thảo Luật dự kiến áp dụng thuế VAT khi chuyển quyền sử dụng đất sẽ dẫn đến tình trạng "thuế chồng thuế", làm tăng giá bán nhà mà người mua phải gánh thêm. Do vậy, Hiệp hội kiến nghị không áp dụng thuế VAT khi chuyển quyền sử dụng đất thì hợp tình hợp lý hơn.
Ông Châu cho biết, Hiệp hội rất hiểu những khó khăn về nguồn thu ngân sách của Nhà nước khi thực hiện cam kết giảm thuế trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới, đồng thời còn phải trang trải các khoản chi thường xuyên và chi cho đầu tư phát triển. Nhưng thuế VAT có tác động rất lớn đối với nền kinh tế, tất cả doanh nghiệp cũng như cuộc sống của người dân.
Hiện nay, trong các nước ASEAN thì Indonesia, Lào, Campuchia cũng áp dụng thuế suất VAT 10%; Singapore 7%, Thái Lan 5%.
"Đối với thị trường bất động sản, việc tăng thuế VAT lên 12% sẽ dẫn đến mặt bằng giá nguyên nhiên vật liệu, nhận thầu thi công, nhân công... tăng lên, giá bán nhà cũng tăng lên", ông Châu nói.