Tăng tốc cải cách để DN “sống” và phát triển

(BĐT) - 7 tháng năm 2019 có thêm tổng cộng 2,47 triệu tỷ đồng vốn đăng ký thành lập doanh nghiệp (DN), song số DN rút lui khỏi thị trường tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2018. Vấn đề đặt ra là việc cải thiện môi trường kinh doanh giúp DN tồn tại và phát triển sau khi khai sinh cần được tăng tốc hơn nữa.
7 tháng năm 2019, cả nước có 79.310 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 999.395 tỷ đồng. Ảnh: Tiên Giang
7 tháng năm 2019, cả nước có 79.310 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 999.395 tỷ đồng. Ảnh: Tiên Giang

Số doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký giảm nhẹ

Thông tin về tình hình đăng ký DN tháng 7 và 7 tháng năm 2019, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, trong tháng 7, có 12.352 DN thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 139.200 tỷ đồng, tăng 9,7% về số DN và tăng 14% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018. Vốn đăng ký bình quân trên một DN đạt 11,3 tỷ đồng, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, so với tháng trước, số DN thành lập mới trong tháng 7 giảm 4,6%; vốn đăng ký bình quân trên một DN cũng giảm (tháng 6 là 14,7 tỷ đồng).

Cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh cho rằng, DN thành lập mới giảm nhẹ cả về số lượng và vốn đăng ký trong một tháng chưa có gì là bất thường. Việc đăng ký kinh doanh là xuất phát từ nhu cầu của DN, mà thông thường nhu cầu tăng liên tục qua một ngưỡng nào đó sẽ tăng chậm lại để chuẩn bị có những bước đột phá mới.

Tính chung 7 tháng năm 2019, cả nước có 79.310 DN thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 999.395 tỷ đồng, tăng 4,6% về số DN và tăng 29,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018. Vốn đăng ký bình quân trên một DN trong 7 tháng năm 2019 đạt 12,6 tỷ đồng, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm 2018.

Tổng số vốn đăng ký mới và đăng ký bổ sung  của DN trong 7 tháng là 2,47 triệu tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2018. 

Tăng số doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký

Một điểm đáng chú ý khác về tình hình đăng ký DN được Cục Quản lý đăng ký kinh doanh chỉ ra là số lượng DN không hoạt động tại địa chỉ đăng ký 7 tháng đầu năm tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2018.

Cụ thể, trong 7 tháng, cả nước có 21.017 DN không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2018. Qua kiểm tra của cơ quan thuế thì không tìm thấy và không liên lạc được với số DN này. 

Nguyên nhân chính của tình trạng này được Cục Quản lý đăng ký kinh doanh lý giải là do ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận DN chưa cao; hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quản lý nhà nước đối với DN sau đăng ký thành lập vẫn còn hạn chế. Những DN không  tìm thấy tại địa chỉ đã đăng ký có thể đã rút lui khỏi thị trường hoặc đang hoạt động tại địa chỉ khác mà không đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước.

Tình trạng DN không hoạt động tại địa chỉ đăng ký xuất hiện nhiều ở các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai. Các lĩnh vực có số lượng DN không hoạt động tại địa chỉ đăng ký lớn nhất là: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy; xây dựng; công nghiệp chế biến, chế tạo; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc, thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác.

Bên cạnh đó, số liệu của Bộ KH&ĐT cũng ghi nhận, trong 7 tháng có 57.206 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, có trên 23.100 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 15,6%); hơn 24.800 DN chờ giải thể (tăng 15,3%); hơn 9.200 DN hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 20%). Như vậy, trung bình mỗi tháng có 8.172 DN rút lui khỏi thị trường.

Nhìn vào hoạt động đăng ký kinh doanh của DN thời gian qua, nhất là con số DN rút khỏi thị trường tăng, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, đôi khi DN rút lui khỏi thị trường mang tính chất tích cực hơn là tiêu cực, bởi khi DN kinh doanh không hiệu quả thì họ phải sớm chấm dứt hoạt động để chuyển sang mô hình kinh doanh mới hoặc cơ cấu lại công ty. Điều quan trọng là chúng ta phải tạo ra môi trường kinh doanh tốt nhất để các DN sau khi thành lập “sống” và phát triển.

“Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, các bộ, ngành phải tăng tốc cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN đầu tư kinh doanh. Đồng thời, chúng ta cũng cần tăng phản ứng về chính sách của Chính phủ. Nếu cải cách cũng như phản ứng chính sách quá muộn có thể làm tuột mất cơ hội kinh doanh của DN”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục