Tăng tốc thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Quý đầu tiên của năm 2025 chứng kiến sự tăng trưởng về số lượng doanh nghiệp (DN) thành lập mới và tái gia nhập thị trường, tuy nhiên, số DN rút lui vẫn ở mức cao cho thấy một “bức tranh” kinh doanh nhiều gam màu xám. Trước thực tế này, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, cần hành động quyết liệt để hỗ trợ DN vượt qua những khó khăn hiện hữu và tiềm ẩn.
Doanh nghiệp dệt, may, da giày đang gặp khó khăn về đơn hàng xuất khẩu, nhu cầu thị trường thấp và lao động có tay nghề. Ảnh: Lê Tiên
Doanh nghiệp dệt, may, da giày đang gặp khó khăn về đơn hàng xuất khẩu, nhu cầu thị trường thấp và lao động có tay nghề. Ảnh: Lê Tiên

DN đối diện nhiều khó khăn, thách thức

Theo số liệu vừa được Cục Thống kê thuộc Bộ Tài chính công bố, trong quý I/2025, cả nước có hơn 72,9 nghìn DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2024; bình quân một tháng có hơn 24,3 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Trong khi đó, số DN rút lui khỏi thị trường trong quý I/2025 là 78,8 nghìn DN, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có gần 26,3 nghìn DN rút lui khỏi thị trường.

TS. Nguyễn Phương Bắc, Chủ tịch Hội đồng Khoa học thuộc Viện Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh nhận xét, tình trạng DN rút lui khỏi thị trường cao vẫn chưa được cải thiện. Song để hiểu sâu hơn vấn đề này, ông Bắc cho rằng, cơ quan quản lý cần cung cấp rõ số lượng DN rút lui khỏi thị trường tăng thuộc ngành nghề nào là chủ yếu. “Trường hợp DN đang sản xuất, kinh doanh nhưng phải rút lui khỏi thị trường mới là điều rất đáng tiếc”, ông Bắc bày tỏ.

Nhìn vào các con số trên, một số chuyên gia không giấu lo ngại khi số DN rút lui khỏi thị trường cao hơn số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường. Điều này cho thấy, hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN đang có diễn biến bất thường. “Nếu theo quy luật bình thường thì số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường phải cao hơn số DN rút lui khỏi thị trường”, một chuyên gia phân tích.

Kết quả khảo sát “sức khỏe” đối với hơn 30 nghìn DN trong quý I/2025 vừa được Cục Thống kê thực hiện cũng chỉ ra những khó khăn và thách thức mà DN đang phải đối mặt. Ở ngành xây dựng, có tới 41,8% DN đánh giá hoạt động sản xuất - kinh doanh khó khăn hơn, trong đó, số DN “không có hợp đồng xây dựng mới” tăng 6% so với quý IV/2024 và tăng 5,7% so với quý III/2024.

Trong khi đó, các DN nhóm ngành dệt, may, da giày gặp khó khăn về đơn hàng xuất khẩu, nhu cầu thị trường thấp và thiếu lao động có tay nghề. Theo kết quả khảo sát, có 47,5% DN dệt, 49,1% DN sản xuất trang phục và 54,3% DN sản xuất da và các sản phẩm có liên quan gặp khó khăn do nhu cầu thị trường quốc tế thấp.

Đối với ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại, nhất là các DN sản xuất xi măng và các sản phẩm từ xi măng, khó khăn lớn nhất là nhu cầu thị trường trong nước thấp, trong khi cạnh tranh giữa các DN cùng ngành ngày càng gay gắt. Bên cạnh đó là khó khăn về vốn, nguyên, nhiên vật liệu…

Việc Mỹ công bố nhiều mặt hàng của Việt Nam sẽ phải chịu mức thuế 46% được giới kinh tế và cộng động DN Việt Nam đánh giá sẽ gây ảnh hưởng lớn lên hoạt động sản xuất - kinh doanh trong nước, do Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam.

Chia sẻ tại Tọa đàm “Ứng phó thuế đối ứng của Mỹ” tổ chức sáng 8/4/2025, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ, lâm sản Việt Nam cho biết, việc Mỹ áp thuế 46% với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam là “đòn” đánh rất mạnh vào ngành công nghiệp gỗ, bởi thị trường Mỹ chiếm 38 - 40% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này. Đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng chia sẻ rằng, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn của ngành dệt may và việc Mỹ áp thuế nhập khẩu cao hơn sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến các DN trong ngành.

Tăng tốc hành động

Đối diện với những khó khăn nội tại và diễn biến bất lợi của thị trường thế giới, hầu hết DN tham gia khảo sát dự báo hoạt động sản xuất - kinh doanh trong quý II/2025 và thời gian tới sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức.

Theo nhiều chuyên gia, nhiều cơ chế, chính sách, đặc biệt là chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa đã được ban hành như cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, giảm thuế giá trị gia tăng…, tuy nhiên, trên thực tế, nhiều giải pháp trong số đó vẫn chưa được thực hiện, chưa mang lại kết quả cụ thể. Chẳng hạn, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, dù được nêu tại Nghị quyết 02 nhiều năm, nhưng mức độ cắt giảm còn hạn chế.

Về vấn đề này, ông Bắc cho rằng, Việt Nam cần đẩy nhanh việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ DN đã ban hành để giúp DN vượt qua thách thức của thị trường.

Trước những biến động khó lường của kinh tế toàn cầu, trong các cuộc họp gần đây, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước liên tục nhấn mạnh yêu cầu tăng cường nội lực của nền kinh tế để bảo đảm tính chủ động, tự cường. Điều này được thể hiện bằng việc triển khai “bộ tứ chiến lược”: đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; phát triển khu vực kinh tế tư nhân; hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động sản xuất - kinh doanh trong quý II/2025, các DN kiến nghị giảm lãi suất; giảm tiền thuê đất phục vụ sản xuất - kinh doanh; ổn định nguồn cung nguyên, vật liệu; cắt giảm điều kiện và thủ tục vay vốn; triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu…

Tin cùng chuyên mục