ADB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 sẽ vượt 7%. Ảnh: Lê Tiên |
Nhiều nền tảng tốt cho tăng trưởng
Sáng 2/4, phát biểu tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, sau 1/4 chặng đường của năm 2018, kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển thuận lợi, các lĩnh vực đều có tăng trưởng tích cực.
Điểm lại tình hình tháng 3, Thủ tướng nhắc đến một số sự kiện quan trọng như đã ký Hiệp định CPTPP tại Chile, đã tổ chức Hội nghị GMS 6 và CLV 10 thành công với nhiều sáng kiến của Việt Nam được đưa ra, nhất là việc tổ chức Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh GMS.
Thủ tướng cũng cho biết, theo công bố của Nikkei sáng nay, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 3/2018 của Việt Nam đạt 51,6 điểm, mặc dù giảm so với tháng 2, nhưng là một trong 2 nước của Đông Nam Á có điểm số cao nhất, trên 50 điểm. Môi trường đầu tư kinh doanh cũng tiếp tục được cải thiện. Báo cáo PCI 2017 mà VCCI công bố hôm 22/3 cho thấy điểm số PCI bình quân cao nhất kể từ khi bắt đầu thực hiện đến nay, điểm số của gần như tất cả các tỉnh đều tăng.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, GDP quý I/2018 tăng cao nhất trong 10 năm qua, đạt mức tăng 7,38% (gần bằng mức tăng trưởng 7,56% của quý IV/2017). Đây là điều hiếm thấy trong tăng trưởng ở nước ta và cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ của năm 2017 (tăng 5,15%). Đồng thời, lạm phát trong tầm kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2018 giảm 0,27% so với tháng trước (cùng kỳ 2017 tăng 0,21%).
Để đạt được kết quả tăng trưởng ấn tượng này, theo nhiều chuyên gia, là nhờ những nỗ lực của Chính phủ và nền tảng tốt của nền kinh tế. Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đánh giá, con số tăng trưởng 7,38% của quý I là tín hiệu rất tích cực của nền kinh tế. Kết quả này đạt được là nhờ chủ yếu 3 nguyên nhân, thứ nhất là tác động từ kinh tế thế giới góp phần thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, đầu tư nước ngoài cũng như hoạt động du lịch vào Việt Nam; thứ hai là Chính phủ đã vào cuộc ngay từ đầu năm thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tập trung sản xuất kinh doanh, không được để tình trạng “tháng Giêng là tháng ăn chơi”; thứ ba là nỗ lực cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh đã có những kết quả quan trọng, đặc biệt là có một số luật, cơ chế chính sách đi vào cuộc sống đã bắt đầu phát huy hiệu quả.
Ngoài ra, sự chỉ đạo quyết liệt, rốt ráo của lãnh đạo Chính phủ, lấy “kỷ cương, liêm chính hành động” là phương châm hàng đầu đã góp phần thúc cả bộ máy nhanh chóng vào guồng tăng trưởng của năm mới, thay vì đầu năm đủng đỉnh, cuối năm tăng tốc như hàng năm. Đồng thời, đà tăng trưởng của nửa cuối năm 2017 cũng hỗ trợ lớn cho tăng trưởng quý I năm nay.
Nhiều thách thức phía trước
Lúc này nhiều dự báo tiếp tục thể hiện sự lạc quan về tăng trưởng kinh tế năm 2018 có thể vượt mục tiêu đề ra. ADB mới đây dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ vượt 7% trong năm 2018, với động lực là tăng trưởng xuất khẩu nhanh, tăng tiêu dùng nội địa, và hoạt động đầu tư mạnh mẽ từ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong khi đó, lạm phát được dự báo vẫn vào khoảng 3,5% trong năm nay, do mức giá lương thực và chi phí vận tải trong nước tương đối ổn định làm giảm tác động của việc tăng mạnh cầu nội địa và cho vay ngân hàng lên lạm phát.
Giữ quan điểm thận trọng, không lơ là, chủ quan, tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ tinh thần phấn đấu đạt tăng trưởng ít nhất 6,7% năm 2018, từ đó, đưa ra các số liệu cụ thể cho các cấp, các ngành liên quan để đóng góp vào tăng trưởng.
Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều mặt tồn tại, yếu kém để các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận, làm rõ các vấn đề đặt ra trong lĩnh vực mình quản lý. Ví dụ như thành lập mới doanh nghiệp tăng chậm lại. Số lượng doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn còn cao. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành quyết liệt cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực của mình, tăng cường đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân…
Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý các bộ, ngành cần tập trung phân tích, đề xuất giải pháp phù hợp để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không thể chủ quan về lạm phát.
Quan điểm thận trọng của Chính phủ cũng nhận được sự đồng thuận của nhiều chuyên gia kinh tế. Theo ông Cấn Văn Lực, năm nay Chính phủ nên tận dụng cơ hội lúc kinh tế đang tốt lên để tái cơ cấu nền kinh tế thay vì tập trung quá nhiều vào con số tăng trưởng.
Chủ tịch ADB Takehiko Nakao cũng khuyến nghị Chính phủ, điều quan trọng lúc này là cần tiếp tục tiến hành cải tổ cơ cấu để nâng cao năng suất và tính cạnh tranh của nền kinh tế. Hệ thống ngân hàng cần được tăng cường bằng việc xử lý nợ xấu và thắt chặt giám sát. Hoạt động thoái vốn doanh nghiệp nhà nước cần được đẩy nhanh, song song với tăng cường quản trị doanh nghiệp.
Một số phân tích cũng chỉ ra, sự tăng trưởng của công nghiệp chế biến, chế tạo cũng chưa thật bền vững khi phụ thuộc nhiều vào khu vực doanh nghiệp FDI. Vì thế, trong thời gian tới, cần phải tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp tăng cường năng lực của doanh nghiệp trong nước, tăng kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước để khu vực này ngày càng đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng.