Việt Nam đã tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do và cần nỗ lực thực thi cam kết và cải cách thể chế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước vượt lên. Ảnh: Tiên Giang |
Theo ông Lê Đăng Doanh, cần có một cuộc “đổi mới lần 2”, đẩy mạnh cơ cấu lại để phát huy tốt hơn nữa tiềm năng của nền kinh tế. Trong đó lưu ý khơi dậy tiềm năng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, kinh tế số, giá trị gia tăng thực sự trong xuẩt khẩu...
Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Việt Nam đã tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do và cần nỗ lực thực thi cam kết thể chế tương thích với các hiệp định. Song song với đó, cần cải cách thể chế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước vượt lên.
TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược Việt Nam cũng nhấn mạnh, cải cách thể chế là yêu cầu cấp thiết. Bên cạnh đó, dự báo về một số xu hướng lớn trong năm 2022, ông Thành nhận định, mặc dù nguy cơ bong bóng tài sản, lạm phát đang dần hiện hữu nhưng với quan điểm điều hành của Chính phủ xác định mục tiêu là phục hồi kinh tế, chính sách tiền tệ linh hoạt có thể tiếp tục được duy trì và nếu có thì tín hiệu thu hẹp thận trọng sẽ được phát ra vào cuối năm 2022. Vấn đề quan trọng là dòng vốn có thực sự chảy vào sản xuất, hay tiếp tục chảy vào thị trường tài sản?
Triển vọng kinh tế thế giới vẫn trong xu hướng nhiều bất ổn và xu hướng tăng trưởng tiếp tục có sự phân hóa. Sự hồi phục của các nước phát triển sẽ tiếp tục kéo dài trong năm 2022, còn tốc độ hồi phục, phát triển của các nước đang phát triển chậm hơn.
Nói về tác động của một số xu hướng lớn trên thế giới đến Việt Nam trong năm 2022, TS. Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, Trường Đại học Kinh tế quốc dân nhận định, triển vọng kinh tế thế giới vẫn trong xu hướng nhiều bất ổn và xu hướng tăng trưởng tiếp tục có sự phân hóa. Sự hồi phục của các nước phát triển sẽ tiếp tục kéo dài trong năm 2022, còn tốc độ hồi phục, phát triển của các nước đang phát triển chậm hơn. Xu hướng lạm phát trên thế giới sẽ không còn thấp như trong năm 2021, vì thế chính sách tiền tệ phải hành động sớm hơn, quyết liệt hơn. Về xu hướng đầu tư, trong năm vừa qua dòng tiền hướng đến các thị trường lớn như Mỹ, chậm lại ở các nước đang phát triển. Thời gian tới, khi tăng trưởng của Mỹ chậm lại, dòng tiền đầu tư có thể sẽ tỏa sang các nước khác nhiều hơn, đặc biệt là các nước có xu hướng phục hồi, phát triển mạnh mẽ.
Theo ông Phạm Thế Anh, Việt Nam là một trong những nước đang phát triển tương đối được lợi từ khủng hoảng, thể hiện rất rõ ở con số xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, EU năm 2021 rất lớn. Nếu không có biến động lớn, không bị đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, năm 2022 xuất khẩu của Việt Nam sẽ vẫn tương đối tốt.
Về thị trường tài sản, ông Thế Anh nhận định, giá tài sản đã tăng rất nhanh trong 2 năm qua do dòng vốn tắc nghẽn không đi vào sản xuất và tâm lý đầu cơ. Ở Việt Nam khi giá tài sản đã lên rồi thì rất khó xuống, chỉ điều chỉnh giảm bớt ở mức đỉnh. Lượng tài sản bất động sản tập trung ở một phần nhỏ dân số giàu, khi nền kinh tế chưa yêu cầu vốn lớn thì chưa rút khỏi bất động sản. Việt Nam vẫn thiếu vắng kênh đầu tư nên bộ phận này vẫn đổ tiền vào bất động sản. Ông Phạm Thế Anh nhận định, giá bất động sản có thể điều chỉnh nhẹ, chứ thị trường không sụp đổ hay vỡ, vì nhu cầu nhà ở của Việt Nam rất lớn.