Tăng trưởng kinh tế có nhiều yếu tố tích cực, nhưng cần cảnh giác hơn với áp lực lạm phát. Ảnh: NC st |
Triển vọng tích cực
Tại Tọa đàm khoa học Báo cáo tổng quan kinh tế giữa kỳ 2019 của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) được tổ chức ngày 11/7, Giám đốc NCIF Trần Thị Hồng Minh cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 có thể đạt mức 6,86%, vượt mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Trong đó, tăng trưởng của các khu vực kinh tế lớn như nông lâm thủy sản dự báo đạt 3,02%; công nghiệp và xây dựng là 8,61% và dịch vụ là 6,84%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2019 dự kiến tăng 3,13%.
Trong khi đó, Nhóm nghiên cứu kinh tế vĩ mô của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, tăng trưởng kinh tế Việt Nam cả năm 2019 sẽ ở mức 6,96%, trong đó, quý III và quý IV đều tăng trưởng trên 7%. Lạm phát quý III và quý IV lần lượt là 3,38% và 4,21%.
Tự tin đưa ra dự báo đầy lạc quan như trên, đại diện Nhóm nghiên cứu lý giải, Việt Nam vẫn còn lợi thế từ việc dịch chuyển dòng vốn FDI do tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Những lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là CPTPP, EVFTA... đang tạo nhiều cơ hội giúp các tháng cuối năm tăng trưởng tốt hơn.
Các dự báo trên lạc quan hơn hẳn so với báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố cách đây hơn 1 tuần, trong đó dự báo tăng trưởng chỉ đạt 6,6%, giảm so với dự báo trước đó nhưng bằng mục tiêu mà Quốc hội đặt ra ở cận dưới. Đưa ra mức dự báo như vậy, theo các chuyên gia của WB, là vì sức cầu bên ngoài yếu đi và chính sách tài khóa, tín dụng tiếp tục bị thắt chặt. Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang cộng với những nguy cơ dễ tổn thương trong nước (cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trì trệ...) sẽ khiến tình hình trở nên phức tạp hơn, ảnh hưởng đến cảm nhận của nhà đầu tư và viễn cảnh tăng trưởng.
Động lực tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào các yếu tố bất định
Mặc dù tăng trưởng kinh tế có nhiều yếu tố tích cực, nhưng các chuyên gia vẫn cảnh báo về một số vấn đề tiềm ẩn rủi ro.
Theo TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), động lực tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam từ nay đến cuối năm phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết và kinh tế thế giới. Trong đó, kinh tế thế giới trong thời gian tới có tính bất định rất cao, từ những thay đổi địa chính trị, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, Nhật - Hàn... Tăng trưởng kinh tế thế giới suy giảm, chủ yếu rơi vào khu vực Việt Nam có quan hệ thương mại mạnh mẽ nhất. Chiến tranh thương mại có thể dẫn tới điều chỉnh tiền tệ của các quốc gia và thị trường tài chính toàn cầu rung lắc, lao đao.
Mặc dù lạc quan, nhưng TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho rằng, mức dự báo của VEPR là khó đạt được. Nhiều động lực tăng trưởng kinh tế đều thấp hơn năm ngoái. Cũng cần cảnh giác hơn với áp lực lạm phát cao hơn, có thể khoảng 3,5 - 3,8%. Một số yếu tố bất lợi trong nước như hạn hán, cháy rừng, dịch bệnh... khiến giá cả cuối năm có thể tăng. Mặc dù xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng, nhưng lại tăng ít ở những thị trường truyền thống như Trung Quốc, EU. Giải ngân đầu tư công chậm. Thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm, chỉ mới đạt 26 - 27%.
Liên quan đến giải ngân đầu tư công, TS. Đặng Đức Anh - Phó Giám đốc NCIF dự đoán, nhìn chung từ nay đến cuối năm vẫn khó đẩy nhanh và có sự bứt phá về giải ngân. “Thay vì cứ trông chờ vào sự đột biến trong giải ngân đầu tư công, chúng ta cần chú trọng hơn đến việc làm thế nào để giải ngân hiệu quả vốn FDI, vốn đầu tư tư nhân”, TS. Đặng Đức Anh khuyến nghị.
Một vấn đề nữa được nhiều ý kiến lưu tâm, đó là thặng dư thương mại của Việt Nam với thị trường Mỹ đang có chiều hướng gia tăng, trong khi dự trữ ngoại hối của Việt Nam tăng (thêm 8 tỷ USD). Theo các chuyên gia, đây vừa là điều đáng mừng, nhưng cũng rất đáng lo, bởi mới đây, Mỹ đã đưa Việt Nam vào danh sách các nước có nghi vấn thao túng tiền tệ.
Theo khuyến cáo của TS. Cấn Văn Lực, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần đặc biệt lưu ý theo dõi, giám sát chặt chẽ để có biện pháp can thiệp thị trường ngoại hối, đảm bảo có ra, có vào và không được chạm ngưỡng, tỷ giá tăng không vượt quá 2% (năm 2018 là 1,7%) trong 6 tháng liên tục. Điều này là rất khó giải trình, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp đang đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ và Việt Nam cần tăng dự trữ ngoại hối để dự phòng.
Trước nguy cơ một số mặt hàng bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ cần có biện pháp cụ thể hơn để tăng cường phát hiện và chống gian lận thương mại, kiểm soát chặt nguồn gốc xuất xứ.