Tăng trưởng kinh tế 2022 có thể đạt 8%

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Số liệu thống kê về kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng đầu năm cho thấy, tăng trưởng GDP năm 2022 có thể đạt 8%, tạo động lực cho năm 2023 - năm bản lề của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Để đạt được mục tiêu, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện các nghị quyết, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; bảo đảm dư địa nguồn lực, chính sách để ứng phó với những biến động trong trung và dài hạn.
Tính chung 9 tháng năm 2022, GDP tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011 - 2022. Ảnh: Lê Tiên
Tính chung 9 tháng năm 2022, GDP tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011 - 2022. Ảnh: Lê Tiên

Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, GDP quý III/2022 ước tăng 13,67% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 12,91%; khu vực dịch vụ tăng 18,86%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,24%. Mức tăng trưởng ấn tượng này dựa trên mức tăng âm của quý III năm trước trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19.

Tính chung 9 tháng năm 2022, GDP tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011 - 2022. Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhấn mạnh, các hoạt động sản xuất, kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả.

Bên cạnh sự lạc quan với bức tranh kinh tế 9 tháng, Tổng cục Thống kê cũng cảnh báo những khó khăn, thách thức mà nền kinh tế phải đối mặt trong các tháng cuối năm 2022. Đó là biến động về giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào, thị trường thế giới chậm phục hồi, việc điều chỉnh chính sách của các nước lớn. Xuất khẩu phải đối mặt với thách thức không nhỏ khi nhiều thị trường truyền thống có nguy cơ rơi vào suy thoái, số đơn hàng dệt may, gỗ, thủy sản… đi Mỹ và EU có dấu hiệu suy giảm, tồn kho gia tăng. Thu hút FDI gặp nhiều khó khăn, FDI đăng ký cấp mới, đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn mua cổ phần đạt 18,75 tỷ USD, giảm 15,3% so với cùng kỳ, ảnh hưởng đến tiềm năng mở rộng sản xuất...

Theo ông Lê Trung Hiếu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, mặc dù quý IV/2022 có khó khăn, nhưng nền kinh tế đang trên đà phục hồi tốt, đặc biệt là các ngành dịch vụ (bán buôn, bán lẻ; lưu trú, ăn uống; vận tải, kho bãi; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ). Do đó, nếu không có những biến động quá lớn trong các tháng cuối năm thì khả năng cao nghiêng về phương án tăng trưởng 8%.

Để đạt được mức tăng trưởng nêu trên, Tổng cục Thống kê đề xuất một số giải pháp như: thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm; quyết liệt triển khai nhanh, hiệu quả nhiệm vụ, dự án đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tập trung vào các lĩnh vực cấp bách và có khả năng hấp thụ tốt, dự án có tính liên kết chương trình hỗ trợ, trợ cấp cho người lao động; khơi thông các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế để đẩy nhanh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm thực hiện, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa; nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế…

Trên cơ sở kết quả 9 tháng đầu năm, dự báo tình hình quý IV/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng để xin ý kiến Thường trực Chính phủ. Theo đó, kịch bản 1 là tăng trưởng kinh tế cả năm đạt khoảng 8%, quý IV/2022 cần đạt mức tăng trưởng là 5,9%; kịch bản còn lại là nếu tăng trưởng GDP ở mức khoảng 8,2%, quý IV cần đạt mức tăng trưởng là 6,6%.

Bộ KH&ĐT kiến nghị phấn đấu đạt mức tăng trưởng cả năm 2022 khoảng 8%, cao hơn khoảng 1,5 - 2% so với mục tiêu Quốc hội giao và Chính phủ đề ra (6 - 6,5%), tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2023.

Trong những tháng cuối năm, Bộ KH&ĐT kiến nghị các bộ, cơ quan, địa phương cần thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện các Nghị quyết số 01/NQ-CP, 02/NQ-CP và 124/NQ-CP, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chỉ thị 15/CT-TTg về ổn định kinh tế vĩ mô…; chủ động ứng phó linh hoạt, kịp thời với các tình huống phát sinh, đồng thời bảo đảm dư địa nguồn lực, chính sách để ứng phó với những biến động trong trung và dài hạn của tình hình thế giới; đồng thời tập trung thực hiện nhanh, hiệu quả các giải pháp căn cơ để đạt mục tiêu phát triển 5 năm đã đề ra.

Tin cùng chuyên mục