Với kinh tế Việt Nam hiện nay, dư địa để tạo ra thêm 0,3 - 0,5 điểm phần trăm tăng trưởng để đạt khoảng 6,7 - 6,8%/năm trong vòng 1 - 2 năm không phải quá khó. Ảnh: Trần Chiến |
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn, muốn kích thích được sản xuất kinh doanh thì phải đảm bảo được hai yếu tố: giảm chi phí đầu vào và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, công bằng, minh bạch cho doanh nghiệp.
Chi phí cao sẽ khó kích cung
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục nhấn mạnh quyết tâm thực hiện mục tiêu tăng trưởng cả năm 2017 là 6,7%, muốn vậy 6 tháng cuối năm phải đạt 7,43%.
TS. Vũ Viết Ngoạn – Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, với kinh tế Việt Nam hiện nay, dư địa để tạo ra chuyển biến thêm 0,3 - 0,5 điểm phần trăm tăng trưởng để đạt khoảng 6,7 - 6,8% trong vòng 1 - 2 năm không phải quá khó. Tuy nhiên, phải nói rõ thêm, dư địa kích cầu không còn nữa.
Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế cũng nhấn mạnh, động lực tăng trưởng thời gian tới không thể dựa vào tăng vốn đầu tư khu vực nhà nước và khai thác tài nguyên.
“Muốn đưa kinh tế Việt Nam quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng trên 7% thì cần tập trung giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư, đẩy nhanh tốc độ tăng năng suất lao động, cải thiện bên cung để nâng sản lượng tiềm năng của nền kinh tế”, ông Ngoạn nói.
Để thúc đẩy phía cung, chia sẻ với Báo Đấu thầu, TS. Bùi Ngọc Sơn - Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế thế giới (Viện Kinh tế và Chính trị thế giới) cho rằng, vấn đề cốt yếu chính là việc giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Báo cáo “Khảo sát về môi trường kinh doanh” của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2017 cho biết, chi phí kinh doanh ở Việt Nam về cơ bản ở mức cao so với các nước trong cùng khu vực. Không chỉ thuế, phí, mà lãi suất ngân hàng Việt Nam hiện nay cũng cao so với nhiều nước trong khu vực.
“Chi phí cao khiến cho lợi nhuận doanh nghiệp thấp và cũng khó tăng cao nổi, điều này dẫn đến tâm lý ngại gia tăng sản xuất, mở rộng kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Sơn nhận định. Theo ông Sơn, nếu doanh nghiệp không đẩy mạnh sản xuất thì khó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, đây chính là cách tăng trưởng bền vững, cốt lõi đối với nền kinh tế.
Ông Sơn cho biết, muốn giảm được chi phí kinh doanh của doanh nghiệp, trước tiên phải hạ được lãi suất ngân hàng. Nếu cứ tiếp tục duy trì ở mức cao như hiện nay, các doanh nghiệp rất khó tiếp cận vốn và cũng khó cạnh tranh nổi với khu vực và thế giới.
“Vậy vấn đề là làm thế nào để hạ được lãi suất? Chúng ta không thể dùng mệnh lệnh hành chính để hạ, mà phải giải quyết vấn đề căn cơ đó là xử lý nợ xấu. Thứ hai là kiểm soát được tình trạng sở hữu chéo của các ngân hàng”, ông Sơn nói.
Bên cạnh đó, theo ông Sơn, trong khi năng suất lao động “ì ạch” thì lương tối thiểu năm nào cũng tăng. Chưa kể, doanh nghiệp phải “gánh” các loại chi phí bảo hiểm thuộc hàng cao nhất khu vực.
“Nhiều doanh nghiệp chia sẻ họ không muốn mở rộng đầu tư do lợi nhuận không hấp dẫn. Lãi suất ngân hàng thì cao, trong khi đó, tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo khiến doanh nghiệp bất an...”, ông Sơn phản ánh và cho rằng cho rằng, khi nào cải thiện được vấn đề chi phí thì chính sách thúc đẩy cung mới hiệu quả.
Phải tạo được môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng
Một chuyên gia kinh tế mới đây đã ví von, như một cỗ máy, để có sự bứt phá thì cần “thay máy, thay động cơ”, đó chính là việc tái cơ cấu kinh tế. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất là tăng năng suất.
Theo ông Bùi Ngọc Sơn, việc tăng năng suất lao động là quá trình diễn ra tự nhiên. Khi có được môi trường kinh doanh thuận lợi, công bằng, các chính sách ổn định, minh bạch thì sẽ thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất. Khi làm ăn tốt, bản thân các doanh nghiệp sẽ thấy muốn mở rộng sản xuất, đổi mới, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng nhân sự để qua đó tăng năng suất lao động.
“Ngược lại, khi chịu mức chi phí cả chính thức lẫn phi chính thức quá lớn, lợi nhuận không là bao, lại còn bị gây khó bởi hệ thống bộ máy chính quyền thì ngay lập tức sẽ “thui chột” việc mở rộng kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ không bỏ tiền thay đổi thiết bị công nghệ hay đầu tư vào nguồn nhân lực nữa. Nếu nguồn nhân lực kém bài bản, công nghệ lạc hậu thì năng suất lao động sao có thể tăng được?”, ông Sơn phân tích.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng nhiều chi phí đầu vào của doanh nghiệp ở mức cao, nhất là chi phí vốn, chi phí bảo hiểm xã hội, quỹ công đoàn... Hiện mức đóng bảo hiểm xã hội tại Việt Nam đang cao nhất khu vực ASEAN, lên tới 32,5% mức lương tháng (doanh nghiệp đóng 22%, người lao động đóng 10,5%). Đó là chưa kể 3% phí công đoàn. Trong khi đó, cùng khu vực, tại Malaysia, mức đóng bảo hiểm xã hội chiếm 13% lương tháng, Philippines là 10%, Indonesia là 8%... Theo Thủ tướng, đây là việc cần nghiên cứu, trao đổi lại.
Đối với những chi phí không chính thức, Thủ tướng đã yêu cầu cần nhiều biện pháp, đặc biệt là công khai, minh bạch, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính để người làm thủ tục và cán bộ giải quyết thủ tục không gặp trực tiếp, tăng cường kiểm tra, thanh tra trách nhiệm người đứng đầu và các cơ quan đơn vị được giao.