Tạo bứt phá mới trong năng suất lao động

(BĐT) - Bài toán làm thế nào để có những bứt phá trong năng suất lao động (NSLĐ) đã nhận được nhiều khuyến nghị, đề xuất từ các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp (DN). Trong đó, việc sớm thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia là một giải pháp rất cần thiết, thúc đẩy các động lực tăng năng suất quốc gia.
Nâng cao năng suất lao động khu vực doanh nghiệp đóng vai trò quyết định tới việc nâng cao năng suất lao động của toàn bộ nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên
Nâng cao năng suất lao động khu vực doanh nghiệp đóng vai trò quyết định tới việc nâng cao năng suất lao động của toàn bộ nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Tại Hội nghị Cải thiện NSLĐ quốc gia, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh 4 nhân tố chủ yếu tác động đến NSLĐ của Việt Nam. Trong đó, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế mặc dù thu được một số kết quả nhưng dịch chuyển cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động còn chậm và chưa thực sự hợp lý. Các hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo ở nước ta đã có bước phát triển nhưng năng lực và tiềm lực còn ở mức hạn chế. Đất nước ta đã trải qua thời kỳ dân số vàng, lực lượng lao động đông đảo về số lượng nhưng chất lượng còn thấp, thiếu nhân lực chất lượng cao, có kiến thức, kỹ năng trong nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao.

Bên cạnh đó, số lượng DN phát triển nhanh song hiệu suất, hiệu quả quản trị DN còn thấp; DN khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có NSLĐ cao nhưng chậm lan tỏa đến khu vực DN trong nước; DN nhà nước có lượng tài sản lớn nhưng hiệu quả sử dụng còn hạn chế; khu vực DN tư nhân trong nước chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số DN song phần lớn có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, năng lực liên kết yếu.

Nhận diện rõ những nhân tố này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh 3 giải pháp chính để tăng NSLĐ. Đó là, cần có sự vào cuộc và nỗ lực vượt bậc của toàn hệ thống chính trị trong việc xây dựng và thực thi quyết liệt các giải pháp tăng NSLĐ, coi đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu trong việc thực hiện chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Việc sớm thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia là rất cần thiết, trong đó, hình thành bộ máy, cơ quan chuyên sâu về NSLĐ thực hiện nhiệm vụ điều phối, phối hợp các động lực tăng năng suất quốc gia của Việt Nam. Nâng cao NSLĐ khu vực DN đóng vai trò quyết định tới việc nâng cao NSLĐ của toàn bộ nền kinh tế. 

Tăng hiệu quả và năng suất cho doanh nghiệp

Để thúc đẩy NSLĐ, quan trọng hơn là năng suất sử dụng các nguồn lực, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ, đầu tiên sẽ phải cải cách thể chế, nâng cao năng lực quản trị nhà nước, năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cấp chất lượng môi trường kinh doanh, xây dựng cơ chế để mọi lao động được trao cơ hội, qua đó có thể phát huy tối đa năng lực của mình.

Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, từ lao động giản đơn sang lao động có kỹ năng. Ngoài ra, cải cách khu vực tài chính ngân hàng để dòng vốn chảy vào khu vực có năng suất cao nhất. Cùng với đó, cần cải cách mạnh mẽ và nhanh hơn nữa khu vực DN nhà nước để khơi thông và giải phóng các nguồn lực cho phát triển, thúc đẩy, hỗ trợ khu vực tư nhân và các khu vực khác như hợp tác xã trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Đặc biệt là khuyến khích tinh thần khởi nghiệp sáng tạo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng phát động phong trào cải thiện NSLĐ quốc gia. Người đứng đầu Chính phủ mong muốn cộng đồng DN, nhà đầu tư, các tầng lớp nhân dân nỗ lực, cố gắng hơn nữa, tham gia các nhiệm vụ, giải pháp để tăng năng suất, tạo ra một cuộc bứt phá mới, đưa đất nước Việt Nam vượt lên, phát triển nhanh, bền vững.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, việc dựa dẫm vào lợi thế lao động giá rẻ và chi phí thấp trong một thời gian dài đã khiến các DN lơ là trong việc nâng cao khả năng hoạch định chiến lược, trình độ quản trị, đẩy mạnh áp dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, cải thiện tay nghề lao động và tăng cường hiệu quả sử dụng vốn, dẫn đến kết cục là năng suất của lao động Việt Nam ngày càng thấp so với các nước trong khu vực.

Theo ông Lộc, ở tầm quốc gia, năng suất phải được hiểu ở nghĩa rộng là việc sử dụng có hiệu quả nhiều nguồn lực khác (đất đai, tài nguyên, vốn, môi trường, xã hội) chứ không chỉ là NSLĐ.

Để tăng năng suất quốc gia, đại diện VCCI kiến nghị, phải thúc đẩy cải cách thể chế, phát triển đồng bộ các loại thị trường để làm sao các nguồn lực cho sự phát triển nêu trên được dồn chảy vào những khu vực sử dụng và hoạt động có hiệu quả nhất. Tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế và phát triển DN. Không chỉ khu vực DN mà khu vực hộ kinh doanh cá thể (chiếm 30% GDP và sở hữu 9 triệu lao động) cũng cần được cải thiện năng suất.

Để tăng năng suất khu vực hộ kinh doanh cá thể, bà Thái Hương, cố vấn chiến lược của Tập đoàn TH đề xuất, cần có sự phát triển đồng bộ trong cơ chế, chính sách phù hợp với sự phát triển của xã hội. Bà Hương nêu ví dụ, không thể đưa công nghệ vào cho lao động tay nghề thấp sử dụng mà có NSLĐ cao được. Do đó, tăng NSLĐ cần tính tới định hướng đào tạo và giáo dục ngành nghề, nên phải phân luồng lao động ngay từ cấp cơ sở, trung học.

Ông Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch kiêm Quyền Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội bày tỏ quan điểm, để tăng NSLĐ thì cần phải quy hoạch lại ngành nghề, xem lao động Việt Nam hợp với ngành nghề gì để tập trung phát triển. Theo ông Dũng, NSLĐ chỉ là nhân tố ban đầu, giá trị gia tăng trong NSLĐ mới là quan trọng, từ đó mới nói đến áp dụng công nghệ cao, quản trị tiên tiến để thúc đẩy hơn nữa giá trị gia tăng đó.