Tạo điều kiện thuận lợi để DN lớn mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hiện nay, Việt Nam có gần 50 doanh nghiệp quy mô trên 1 tỷ USD nhưng chưa đầy 10 doanh nghiệp quy mô chục tỷ USD. Trong tương lai, cần phải phát triển nhiều doanh nghiệp “đầu đàn” đủ sức cạnh tranh và hội nhập quốc tế, giữ vững độc lập, tự cường trên mặt trận kinh tế là những yêu cầu Nhà nước đặt ra về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Chính phủ đặt mục tiêu hình thành một số tập đoàn, doanh nghiệp công nghiệp trong nước có quy mô lớn, đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế. Ảnh: Lê Tiên
Chính phủ đặt mục tiêu hình thành một số tập đoàn, doanh nghiệp công nghiệp trong nước có quy mô lớn, đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế. Ảnh: Lê Tiên

Đường đến doanh nghiệp tỷ USD

Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/8, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.281 điểm, so với mốc chỉ 100 điểm của 24 năm trước khi thị trường có phiên giao dịch đầu tiên. Chỉ số thị trường không khác nhiều so với giai đoạn bùng nổ 2006 - 2007. Tuy nhiên, điểm khác biệt là hiện nay, tổng giá trị vốn hóa trên 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM đã lên đến 6,9 triệu tỷ đồng, tương đương 67% GDP, vượt xa con số 500.000 tỷ đồng ở giai đoạn năm 2007.

Hơn 2 thập kỷ qua, không ít doanh nghiệp tư nhân huy động được vốn qua thị trường chứng khoán và lớn mạnh, trở thành “sếu đầu đàn” có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt; một số doanh nghiệp tạo lập được vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng.

Tính tới cuối tháng 8/2024, trên HoSE có khoảng 40 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 1 tỷ USD, trong đó có 2 doanh nghiệp có vốn hóa trên 10 tỷ USD là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã chứng khoán: VCB), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã chứng khoán: BID). Nhiều ngân hàng khác góp mặt trong danh sách vốn hóa hơn 1 tỷ USD như Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank, mã chứng khoán: CTG), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, mã chứng khoán: TCB), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, mã chứng khoán: MBB)…

Xếp ngay sau BIDV là Công ty CP FPT - thương hiệu hàng đầu trong ngành công nghệ - với vốn hóa hơn 194.000 tỷ đồng. Cổ phiếu FPT bắt đầu được giao dịch trên HoSE vào ngày 13/12/2006 với vốn hóa khoảng 24.324 tỷ đồng. Ngày lên sàn, vốn điều lệ của FPT chỉ có 608 tỷ đồng, nhưng hiện nay, con số này đã tăng 24 lần, lên 14.600 tỷ đồng. Với kết quả kinh doanh tăng trưởng cao, được duy trì đều đặn đến mức kinh ngạc qua từng tháng, từng quý, từng năm, FPT thường được được ví von như một "cỗ máy tăng trưởng".

Đưa cổ phiếu HPG lên giao dịch trên HoSE vào ngày 15/11/2007, sau gần 17 năm vốn hóa của Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát tăng hơn 10 lần, từ 16.764 tỷ đồng lên 165.000 tỷ đồng, vốn điều lệ đạt 63.962 tỷ đồng, tăng 48,5 lần.

Trong danh sách các doanh nghiệp tư nhân có vốn hóa lớn còn những cái tên đáng chú ý như Công ty CP Tập đoàn Masan, Tập đoàn Vingroup, Công ty CP Vinhomes, Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động, Công ty CP Hàng không VietJet, Công ty CP Chứng khoán SSI…

Không chỉ doanh nghiệp tư nhân, nhiều doanh nghiệp có gốc nhà nước sau khi được cổ phần hóa cũng thành danh và ngày càng lớn mạnh. Công ty CP Cơ điện lạnh, Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP, Công ty CP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang… là những điển hình.

Kỳ vọng nhân lên số doanh nghiệp tỷ USD

Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi, đặc biệt tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đáp ứng tiêu chí nâng hạng.

Các chuyên gia đánh giá, việc được nâng hạng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho thị trường chứng khoán Việt Nam như: thu hút thêm hàng tỷ USD từ các quỹ đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài, cải thiện khả năng định giá cổ phiếu, qua đó giúp cho công tác thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, trong khi chờ đợi thị trường chứng khoán được nâng hạng để thu hút dòng vốn nước ngoài, doanh nghiệp Việt cần tiếp tục chủ động tăng cường nội lực, hướng tới các mục tiêu lớn hơn, tầm nhìn rộng hơn, xa hơn và hành động để biến những khát khao, tầm nhìn đó thành hiện thực.

Không phải ngẫu nhiên Hòa Phát từ một doanh nghiệp tư nhân nhỏ lại có vốn hóa lên đến hàng tỷ USD như hiện nay. Khởi đầu là công ty chuyên buôn bán các loại máy xây dựng, hiện Hòa Phát đã là nhà sản xuất thép có doanh thu hàng năm trên 4 tỷ USD. Các năm qua Hòa Phát liên tục cho ra mắt các sản phẩm thép chất lượng cao mà trong nước chưa từng sản xuất được, góp phần giảm phụ thuộc vào nguồn thép nhập khẩu và xuất khẩu tới nhiều quốc gia khác.

Hay như Tập đoàn FPT, kể từ khi cơ cấu lại mô hình hoạt động năm 2018, tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận mỗi quý của FPT so với cùng kỳ năm trước đều đạt 2 con số và thường dao động quanh mức 20%. Đáng chú ý, FPT đã cán mốc doanh thu dịch vụ công nghệ 1 tỷ USD tại thị trường nước ngoài năm 2023 và hướng đến mức 5 tỷ USD vào năm 2030. Đây là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên gia nhập nhóm công ty dịch vụ công nghệ thông tin tỷ USD trên thế giới.

Để thúc đẩy doanh nghiệp không ngừng lớn mạnh, ngày 17/11/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có đề ra nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và triển khai chương trình quốc gia về nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của nền sản xuất Việt Nam đến năm 2045 (Make in Vietnam 2045). Trên cơ sở đó, ngày 22/7/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 111/NQ-CP ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW.

Nghị quyết của Chính phủ đặt mục tiêu hình thành được một số tập đoàn, doanh nghiệp công nghiệp trong nước có quy mô lớn, đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn; xây dựng và phát triển được một số cụm liên kết ngành công nghiệp trong nước có quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh quốc tế; làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp. Phát triển cộng đồng doanh nghiệp mạnh là nhân tố căn bản để nền kinh tế nước ta tăng trưởng bền vững và xác lập vị thế vững chắc trên trường quốc tế.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, chuyên gia kinh tế - TS. Lương Văn Khôi đánh giá, mặc dù số lượng không nhiều, các doanh nghiệp lớn đóng vai trò quan trọng trong giải quyết công ăn việc làm cho hàng vạn người lao động và đóng góp vào ngân sách nhà nước, có vai trò dẫn dắt, kết nối và tạo ảnh hưởng trên thương trường. Để tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp lớn mạnh, Chính phủ đã liên tục có những giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Theo ông Khôi, môi trường kinh doanh cần được hoàn thiện theo hướng bảo đảm bình đẳng hơn đối với mọi loại hình doanh nghiệp, thay vì chú trọng và tạo nhiều ưu đãi với khối doanh nghiệp FDI như thời gian qua. Cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân trong nước có quy mô nhỏ, vừa và siêu nhỏ tiếp cận đất đai, vốn, thị trường, các dịch vụ về thuế, hải quan… dễ dàng hơn. Đồng thời, Nhà nước có chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn để giúp các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa nâng cao trình độ quản lý, năng lực đổi mới sáng tạo, nâng cấp công nghệ, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Tin cùng chuyên mục