Tạo động lực cho doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh

(BĐT) - Năm 2015 Việt Nam được mùa các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Cơ hội phát triển là rất lớn, bởi theo nhiều chuyên gia, Việt Nam là nước hưởng lợi nhiều nhất từ các FTA thế hệ mới này. Nhưng để doanh nghiệp hội nhập thành công thì không hề dễ dàng. Năng lực cạnh tranh chính là lời giải mấu chốt nhất cho bài toán hội nhập.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Đây là những chia sẻ của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với phóng viên Báo Đấu thầu nhân dịp đầu Xuân Bính Thân 2016. 

Năng lực cạnh tranh được cải thiện đáng kể

Ông Vũ Tiến Lộc đánh giá, năm 2015 là một năm khởi sắc của nền kinh tế Việt Nam với sự gia tăng cảm nhận tích cực về năng lực cạnh tranh. Các chỉ số năng lực cạnh tranh được đánh giá ở mức cao, liên tục tăng hạng. Theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), năm 2015, chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam về kết cấu hạ tầng tăng 24 bậc so với năm 2010 (từ 123/139 quốc gia lên 99/140 quốc gia), chỉ số phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam tăng 19 bậc (từ 75/139 quốc gia lên 56/140 quốc gia)…

“Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao việc bước đầu triển khai thực hiện Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư mới, Nghị quyết số 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết số 36a/NQ-CP về thực hiện chính phủ điện tử… Đây là những đột phá quan trọng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, và tạo động lực tăng trưởng kinh tế”, ông Lộc nhận xét.

Viện dẫn kết quả khảo sát ý kiến cộng đồng doanh nghiệp mà VCCI đã thực hiện, ông Lộc cho biết, đa số doanh nghiệp đã ghi nhận những chuyển động mạch lạc và đúng hướng đang được bắt đầu ở một số bộ, ngành và địa phương, như nỗ lực cải cách thủ tục hành chính ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính; nỗ lực cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và xã hội hóa dịch vụ công ở Bộ Giao thông vận tải…

Về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2016, ông Lộc thể hiện sự lạc quan vì hầu hết dự báo đều có chiều hướng tích cực, trong khi tăng trưởng kinh tế thế giới tiếp tục chiều hướng giảm tốc. Trong đó, dự báo của nhóm nghiên cứu Economist Intelligence Unit (EIU), Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia trên thế giới sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong năm 2016. 

Nhưng còn thiếu động lực cải cách

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng: “Thể chế nào thì doanh nghiệp nấy”. Sự phối hợp và đồng bộ, nhất quán giữa các bộ, ngành, địa phương và các cấp hành chính vẫn chưa đạt yêu cầu và kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp là điểm nghẽn cần được giải tỏa. Mặc dù chúng ta đã đạt được những kết quả tích cực trong cải cách thể chế, nhưng còn một số lĩnh vực vẫn gây quan ngại cho cộng đồng doanh nghiệp như thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan; cơ chế thanh tra, kiểm tra thay vì hỗ trợ, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển…

Tạo động lực cho doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh ảnh 1
Ông Vũ Tiến Lộc
Một trở ngại khác đối với hoạt động của doanh nghiệp được ông Lộc dẫn chứng là, mặc dù Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp mới quy định theo hướng mở, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tự do kinh doanh những lĩnh vực mà pháp luật không cấm, nhưng một số luật chuyên ngành thì khép lại. Ngành hải quan làm tốt thông quan, nhưng ngành khác không phối hợp trong vận chuyển hàng hóa qua biên giới thì không thể thuận lợi hóa tối đa cho doanh nghiệp. Do đó, cần tăng cường khả năng kết nối, phối hợp đồng bộ theo nguyên tắc một cửa, để bảo đảm doanh nghiệp chỉ phải thực hiện một chỉ dẫn và một cửa này phải có đủ thẩm quyền, giải quyết được tất cả các thủ tục.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, một trong những điểm nghẽn đáng quan ngại nhất của nền kinh tế hiện nay là khu vực giữ vai trò động lực phát triển – khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước. Nói một cách hình ảnh là nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập, nhưng khu vực kinh tế tư nhân trong nước vẫn cô đơn. Chính sách hỗ trợ phát triển khu vực này vẫn chưa đủ mạnh, chưa có sự lan tỏa.

Ông Lộc chỉ rõ, sự yếu kém của công tác giáo dục nghề nghiệp và chất lượng nguồn nhân lực cũng là một rào cản lớn nữa cần nhắc tới. Công nghệ thì doanh nghiệp có thể mua, nhưng quản trị và tay nghề của người lao động thì phải học. Do đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chính là chìa khóa để Việt Nam tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu và sáng tạo ra các chuỗi giá trị mới. Chính phủ cần có biện pháp đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác công tư, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, nhằm hướng tới xây dựng một hệ thống các trường và trung tâm đào tạo nghề đạt chuẩn quốc tế.

“Và đã đến lúc các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội từng ngành hàng phải phát huy vai trò của mình trong việc nâng cao năng lực để giúp cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận thông tin kịp thời và hướng dẫn thực thi với cách thức phù hợp với các FTA thế hệ mới cho doanh nghiệp. ”, ông Vũ Tiến Lộc đề xuất thêm.