Tạo động lực mạnh mẽ phát triển kinh tế tập thể

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian qua, tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) còn thấp, đóng góp vào GDP liên tục giảm. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà quản lý, cần hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho khu vực KTTT nắm lấy cơ hội, vượt qua thách thức để dẫn dắt các hộ sản xuất nhỏ lẻ tạo thành chuỗi giá trị sản xuất có đủ sức cạnh tranh.
Bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra nhiều thách thức cho khu vực kinh tế tập thể. Ảnh: Nhã Chi
Bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra nhiều thách thức cho khu vực kinh tế tập thể. Ảnh: Nhã Chi

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về KTTT và tổng kết 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012 vừa diễn ra tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW, cùng với quá trình đổi mới kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế, khu vực KTTT đã trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau, trong đó có những thuận lợi và khó khăn, thách thức nhất định. Nổi bật nhất là sự thay đổi mô hình HTX kém hiệu quả sang mô hình HTX tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Luật HTX năm 2012 ra đời đã tạo ra khung pháp lý cơ bản cho việc thành lập, tổ chức và hoạt động của khu vực HTX. Các HTX bước đầu thể hiện chuyển biến về chất lượng, hiệu quả, thể hiện ngày càng rõ nét hơn vai trò quan trọng và có ý nghĩa toàn diện về kinh tế, chính trị, xã hội. Bộ máy quản lý và tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về KTTT, HTX được củng cố, tăng cường hơn ở các cấp, các ngành từ Trung ương và địa phương. Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ riêng cho khu vực KTTT, HTX thông qua Chương trình hỗ trợ phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2015 - 2020 và 2021 - 2025, các đề án xây dựng mô hình thí điểm HTX kiểu mới...

Đến 31/12/2021, cả nước có hơn 27.000 HTX, gấp 2,5 lần so với năm 2001 và tăng khoảng 41% so với năm 2013; khu vực HTX thu hút gần 6 triệu thành viên và tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động. Doanh thu, lợi nhuận của HTX tăng dần qua các năm. Năm 2020, doanh thu bình quân đạt 4,3 tỷ đồng/HTX, lợi nhuận bình quân đạt 314 triệu đồng/HTX, tương ứng tăng 61% và 88% so với năm 2013.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, mô hình KTTT còn nhiều bất cập, chưa có mô hình phát triển hiệu quả, chưa có nhiều đột phá và tốc độ tăng trưởng đóng góp vào GDP của Thành phố chỉ đạt 0,46%, chưa phù hợp với địa vị và tiềm năng của HTX.

Lý giải về tốc độ tăng trưởng của khu vực KTTT, HTX còn thấp, đóng góp vào GDP ngày càng giảm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung cho rằng, do khu vực này không có nội lực mạnh mẽ, lợi nhuận thu được phân phối chưa phù hợp, chưa tạo ra sức hút và động lực tham gia của các thành viên. Do đó, thời gian tới, cần hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để KTTT phát triển; nghiên cứu, thiết kế mô hình HTX bám sát và hoạt động đúng bản chất HTX, theo đuổi những giá trị của HTX. Bên cạnh đó, cần thiết lập trong bộ máy nhà nước cơ quan chuyên trách bảo vệ lợi ích cho HTX, thành viên HTX, thiết kế một hệ thống tạo động lực phát triển hơn cho HTX.

Theo nhiều chuyên gia và nhà quản lý, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển mạnh mẽ, cạnh tranh kinh tế, thương mại trên toàn cầu ngày càng gay gắt, hợp tác là con đường tất yếu để cùng phát triển. Khu vực KTTT phải nắm lấy vai trò dẫn dắt các hộ sản xuất cá thể nhỏ, lẻ, các tổ hợp tác tạo thành chuỗi giá trị sản xuất lớn đủ sức cạnh tranh trên thương trường, đem lại lợi ích cho thành viên. Bối cảnh mới đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức cho khu vực kinh tế HTX.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách phát triển KTTT, HTX phù hợp diễn biến mới và thực tiễn Việt Nam; đồng thời quan tâm đào tạo nguồn nhân lực cho KTTT, HTX để khu vực kinh tế này có thể vượt qua khó khăn và phát triển các loại hình sản phẩm, dịch vụ. Mặt khác, KTTT, HTX cũng phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là công nghệ cao, công nghệ số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Nguồn lực huy động đầu tư cho HTX cần phải trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả; đồng thời xây dựng mô hình quản trị kinh tế tập thể, hợp tác xã tiên tiến, kết hợp với mô hình truyền thống phù hợp với tình hình Việt Nam, có kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển; tạo cạnh tranh lành mạnh gắn với mở rộng thị trường và phát triển thương hiệu, sản phẩm. Ngoài ra, cần tăng cường liên doanh, liên kết, xây dựng thương hiệu sản phẩm theo chuỗi và theo thế mạnh từng khu vực, vùng miền, quy hoạch vùng nguyên liệu hợp lý theo điều kiện từng nơi, từng sản phẩm, quy mô, thị trường…