Tạo đột phá thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực dân tộc trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sốt ruột với việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đang rất chậm. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh yêu cầu tăng tốc nhằm tạo chuyển biến, đột phá căn bản về tiến độ thực hiện các chương trình này, bù đắp sự chậm trễ vừa qua.
Tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đang rất chậm, không đúng yêu cầu đặt ra. Ảnh: Bùi Mai Thiện
Tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đang rất chậm, không đúng yêu cầu đặt ra. Ảnh: Bùi Mai Thiện

Chính phủ nhận khuyết điểm

Đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam), đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) bày tỏ sự lo lắng, sau gần 3 năm triển khai, tiến độ thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (Xây dựng nông thôn mới; Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Xóa đói giảm nghèo bền vững) rất chậm, giải ngân thấp. Các đại biểu chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc về kết quả thực hiện chỉ đạo trên đến thời điểm này ra sao cũng như giải pháp khắc phục như thế nào?

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh thừa nhận có sự chậm trễ trong triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Theo Bộ trưởng Hầu A Lềnh, nguyên nhân của tình trạng này là do có nhiều tồn tại, hạn chế liên quan đến vấn đề pháp lý.

Báo cáo giải trình thêm về Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và 2 chương trình còn lại, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang thẳng thắn nhận khuyết điểm trước Quốc hội, trước bà con vì tiến độ thực hiện không đúng yêu cầu đặt ra. Phó Thủ tướng cho biết, theo số liệu, đến 31/5/2023, phần vốn giải ngân của năm 2022 cho chương trình này chỉ đạt 58,49%, vốn giải ngân của năm 2023 chỉ đạt 17,01%. Trong khi đó, giai đoạn 1 của chương trình chỉ còn 2,5 năm nữa để thực hiện.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ rõ các vướng mắc, trong đó có tình trạng cơ chế, chính sách chồng chéo, xung đột. Hơn nữa, không phải địa phương nào cũng quan tâm đến chương trình này. Vướng mắc nữa, theo Phó Thủ tướng, là trình độ của cán bộ trực tiếp triển khai chương trình ở địa phương còn hạn chế, thủ tục chậm và có nguy cơ sai sót. Ngoài ra, thực tế qua khảo sát 3 chương trình mục tiêu quốc gia, dự án triển khai ở nhiều nơi manh mún, dàn trải, dẫn đến không phát huy được giá trị của nguồn lực đầu tư.

Yêu cầu tăng tốc, tạo chuyển biến căn bản trong thực hiện

Kết luận phiên chất vấn nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia nói chung, trong đó có Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi còn rất chậm. Kết quả đạt được rất hạn chế, rơi vào tình trạng có tiền nhưng không tiêu được.

Đến ngày 31/5/2023, 48/48 địa phương đã giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển, dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 của 3 chương trình mục tiêu quốc gia với tổng số vốn là 22.054,1 tỷ đồng, đạt 91% kế hoạch. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội giao Kế hoạch đầu tư nguồn vốn ngân sách trung ương còn lại năm 2023 của các chương trình mục tiêu quốc gia là 1.208,188 tỷ đồng.

Trên cơ sở đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, các bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện các giải pháp đã đề ra nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên.

“Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ, tăng tốc, tạo đột phá và chuyển biến căn bản trong thực hiện để bù lại thời gian chậm trễ vừa qua, nhất là việc phân bổ, quản lý, sử dụng vốn thực hiện chương trình. Đồng thời, chỉ đạo, đôn đốc triển khai các dự án, tiểu dự án, nội dung trong chương trình bảo đảm hiệu quả thực hiện, đạt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong năm 2023 và giai đoạn 2021 - 2025”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Đề xuất giải pháp tăng tốc thực hiện các chương trình này, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho hay, Trung ương sẽ tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho địa phương. Ngoài ra, trong các văn bản hướng dẫn lần này sẽ tăng cường phân cấp cho địa phương.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị các bộ, cơ quan và địa phương chủ động nắm bắt tiến độ thực hiện, tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời tổng hợp, xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là tại cấp cơ sở.

Bên cạnh đó, các địa phương cần khẩn trương hoàn thành phân bổ kế hoạch vốn đã được giao và thực hiện, giải ngân; cụ thể hóa cơ chế chính sách theo thẩm quyền phân cấp; chủ động rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh danh mục các dự án đầu tư thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực.