Bộ Khoa học và Công nghệ khuyến nghị xây dựng sàn giao dịch cổ phần của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo để thu hút nhà đầu tư tham gia đầu tư cho startup. Ảnh: Quang Tuấn |
Nguồn lực lớn có thể khai thác cho khởi nghiệp sáng tạo
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), hiện nay một số doanh nghiệp lớn cũng như các ngân hàng đã và đang chú ý đến thị trường khởi nghiệp đầy tiềm năng trong nước. Đặc biệt, tổng nguồn tiền dự trữ trong dân chỉ riêng về vàng có thể lên tới hơn 20 tỷ USD. Đây là những nguồn vốn rất lớn, cần có phương thức thu hút trở thành nguồn vốn trong khởi nghiệp kinh doanh.
Tiềm năng từ nguồn vốn ngoài nước cũng rất lớn. Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, từ năm 1991 đến nay, lượng kiều hối về Việt Nam tăng bình quân hàng năm trên 38%. Riêng năm 2017, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), kiều hối về Việt Nam đạt kỷ lục 13,7 tỷ USD. Tuy nhiên, hiện chỉ có một lượng nhỏ kiều hối đầu tư vào các startup tại Việt Nam.
Làn sóng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đang tiếp diễn và dự báo còn kéo dài, khi Việt Nam được coi là một thị trường mới đầy sức hấp dẫn với nhà đầu tư quốc tế.
Theo thống kê của Tổ chức Huấn luyện khởi nghiệp Topica Founder Institute (TFI), năm 2017, Việt Nam tiếp nhận 92 thương vụ đầu tư KNST với tổng số vốn hơn 291 triệu USD, tăng gần gấp đôi về mặt số lượng thương vụ và gần 50% về tổng số vốn đầu tư so với năm 2016. Tuy nhiên, con số này vẫn còn khá khiêm tốn nếu so với các nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới, cũng như so với tiềm năng gọi vốn của startup Việt. Vấn đề là làm sao để thu hút những nguồn vốn đầy tiềm năng này đầu tư vào các startup Việt.
Thêm kênh gọi vốn
Theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư, một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến việc đầu tư là sự ổn định, cởi mở của chính sách trong nước và cam kết của các bộ, ngành trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư KNST. Ngoài ra, để hỗ trợ nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư quốc tế, trong việc tiếp cận với thông tin startup, cần có cách thức chọn lựa, đánh giá để đưa thông tin về các startup chất lượng nhất đến với các nhà đầu tư. Vì thế, theo Bộ KH&CN, tăng cường trao đổi thông tin chính là giải pháp khả thi cần làm ngay.
Các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư KNST từ nước ngoài vào Việt Nam cần đơn giản hóa hơn. Theo TFI, chỉ cần giảm các thủ tục hành chính liên quan đến chứng nhận đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam thì sức cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư KNST của Việt Nam sẽ tăng nhanh chóng. Bộ KH&CN đề xuất, để giải quyết thủ tục nhanh gọn, Chính phủ có thể xây dựng hệ thống một cửa đối với nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đồng thời rút gọn thủ tục hành chính đối với các khoản đầu tư nhỏ, từ vài chục đến vài trăm ngàn USD cho doanh nghiệp khởi nghiệp.
Nhà đầu tư nước ngoài cũng e ngại những rào cản về lưu thông dòng tiền. Để giải tỏa e ngại này, Bộ KH&CN cho rằng cần nghiên cứu, cho phép dòng ngoại hối cho đầu tư KNST được chuyển động tự do hơn cùng các biện pháp chống rửa tiền sẽ tạo sức hút lớn hơn cho nguồn vốn đầu tư KNST nước ngoài vào Việt Nam.
Đặc biệt, cần hợp pháp hóa, đa dạng hóa các kênh đầu tư thu hút vốn đầu tư cộng đồng từ trong nước và quốc tế. Theo khuyến nghị từ WB, nhằm góp phần thu hút vốn đầu tư nhàn rỗi từ cộng đồng, đặc biệt là từ kiều bào, trí thức ở nước ngoài cho KNST, việc hợp pháp hóa và ưu đãi các nền tảng gọi vốn cộng đồng là rất cần thiết. Một số nước có các sàn gọi vốn cộng đồng đăng ký với cơ quan quản lý về chứng khoán, tuy nhiên, được miễn rất nhiều điều kiện, thủ tục so với sàn chứng khoán thông thường. Những doanh nghiệp gọi vốn cộng đồng trên sàn này cũng không cần thiết là doanh nghiệp có lãi và không cần báo cáo quá chi tiết các hoạt động kinh doanh của mình. Để tránh rủi ro cho nhà đầu tư, các nước này cũng yêu cầu nhà đầu tư chứng minh được mức tài sản, thu nhập tối thiểu, ví dụ Hoa Kỳ yêu cầu thu nhập 200.000 USD/năm, hoặc chỉ được đầu tư trên sàn với hạn mức thấp nếu không đăng ký về điều kiện tài chính.
Đồng thời, Bộ KH&CN khuyến nghị xây dựng sàn giao dịch cổ phần của doanh nghiệp KNST để nhà đầu tư nhìn thấy phương án thoái vốn hiệu quả, yên tâm tham gia vào đầu tư. Việc tạo ra một thị trường để các nhà đầu tư có thể giao dịch cổ phần của startup chính là một trong những cách thức hiệu quả nhất để nhà đầu tư ban đầu có thể thoái vốn khỏi startup và mở ra cơ hội để startup thu hút thêm nhiều nhà đầu tư mới. Những yêu cầu về điều kiện thành lập, điều kiện mở bán cổ phần của doanh nghiệp khởi nghiệp trên sàn này cũng cần được nới lỏng so với các điều kiện của doanh nghiệp phát hành cổ phiếu trên sàn chứng khoán.