Năm 2019 có 374 doanh nghiệp nhà nước chấp hành nghiêm túc việc công bố thông tin, vẫn còn 155 doanh nghiệp nhà nước chưa công bố thông tin. Ảnh: Hải Linh |
Vẫn còn DNNN chưa muốn minh bạch thông tin
Theo Bộ KH&ĐT, trong 6 năm thực hiện công bố thông tin DNNN (theo Nghị định số 81/2015/NĐ-CP), mỗi năm Bộ tiếp nhận và đăng tải trung bình gần 3.000 báo cáo của DNNN trên Cổng thông tin DN. Lượng truy cập và tải báo cáo tăng theo từng năm, trung bình hơn 2 triệu lượt xem, tải văn bản báo cáo/năm.
“Việc triển khai thực hiện công bố thông tin trên Cổng thông tin DN giúp tạo thuận lợi trong quá trình tiếp cận thông tin của người dân và xã hội đối với toàn bộ DNNN đang hoạt động; được các tổ chức, nhà đầu tư quốc tế... đánh giá cao về quyết tâm của Chính phủ trong việc tăng cường minh bạch hoạt động của DNNN; đồng thời giúp Chính phủ thực hiện tốt công tác giám sát DNNN thông qua báo cáo rà soát, tổng hợp tình hình thực hiện công bố thông tin hàng năm của Bộ”, cơ quan quản lý nhà nước về DN nhận xét.
Tuy vậy, trên thực tế, vẫn còn tình trạng một số DNNN chưa muốn công khai, minh bạch thông tin. Báo cáo tình hình công bố thông tin của DNNN năm 2019 được Bộ KH&ĐT gửi Thủ tướng Chính phủ cho thấy, vẫn còn 155/529 DNNN chưa công bố thông tin, chủ yếu là các DN thuộc lĩnh vực thủy nông, thủy lợi, các công ty nông, lâm nghiệp, xổ số kiến thiết của nhiều địa phương.
Con số này dù đã được cải thiện so với năm 2018, khi cả nước có 71,67% số DNNN gửi báo cáo thực hiện công bố thông tin, nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu. Nhiều cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước chưa thực hiện trách nhiệm công bố thông tin theo quy định. Một số địa phương, mặc dù đã có chuyên mục riêng về công bố thông tin hoạt động của DNNN, nhưng số liệu cơ bản không được cập nhật đầy đủ, đúng thời hạn theo quy định tại Nghị định số 81/2015/NĐ-CP.
Tại Hội thảo về Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN theo nguyên tắc thị trường diễn ra mới đây, ông Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh, tình trạng chưa công khai, minh bạch dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư.
Hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về DNNN
Để kế thừa các kết quả đã đạt được về minh bạch thông tin DNNN, đồng thời tăng cường công tác giám sát, quản lý hiệu quả việc sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại DN, tại Dự thảo Tờ trình Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp, Bộ KH&ĐT nhấn mạnh yêu cầu hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về DNNN. Điều này sẽ tạo cơ sở dữ liệu để lưu trữ, quản lý, kết nối và chia sẻ thông tin về DNNN, tránh việc DN phải báo cáo cùng loại thông tin đến nhiều cơ quan quản lý nhà nước khác nhau.
Các ý kiến từ Bộ Xây dựng, Tông công ty Thuốc lá Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam… kiến nghị Chính phủ thiết lập chung hệ thống cổng thông tin của các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước để DNNN chỉ cần thực hiện báo cáo 1 lần, tiết kiệm thời gian và chi phí cho DN.
Điều này cũng phù hợp với mục tiêu tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Để thực hiện mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, cần phải xây dựng Chính phủ số, các cơ sở dữ liệu quốc gia được kết nối, tích hợp, chia sẻ…
Một số ý kiến lo ngại phát sinh chi phí cho DN khi thực hiện công bố thông tin trên Cổng thông tin DN, Bộ KH&ĐT khẳng định, việc thực hiện công bố thông tin trong thời gian tới sẽ tiết kiệm chi phí cho DNNN so với giai đoạn trước (theo quy định tại Nghị định số 81/2015/NĐ-CP, DNNN phải gửi báo cáo bản giấy qua đường văn thư đến Bộ KH&ĐT; Bộ KH&ĐT scan báo cáo và đăng tải trên Cổng thông tin DN)”.
Dự thảo Nghị định còn quy định trách nhiệm của Bộ KH&ĐT trong việc quản lý, vận hành Cổng thông tin DN ổn định, liên tục, bảo đảm thông tin được truy cập và đăng tải an toàn, dễ tiếp cận; đồng thời quy định trách nhiệm cung cấp tài khoản để DN công bố thông tin trực tuyến.
Cũng tại Dự thảo Nghị định, các chế tài xử lý đối với DNNN vi phạm các quy định về công bố thông tin tiếp tục được nhấn mạnh. Chẳng hạn, ngoài việc xử phạt hành chính đối với DN, đánh giá, xếp loại người quản lý DN, người đại diện phần vốn nhà nước tại DN, thì cơ quan đại diện chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm đôn đốc, giám sát, kiểm tra các nội dung về công bố thông tin của DN; không đăng tải công khai, kịp thời trên cổng hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan về các thông tin công bố định kỳ của DN thuộc phạm vi quản lý.