Tập trung 3 nhóm vấn đề, chủ động nắm bắt cơ hội từ EVFTA

(BĐT) - Tại cuộc họp ngày 26/2, tại Hà Nội với các đơn vị trực thuộc về công tác chuẩn bị triển khai thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) khi Hiệp định được Quốc hội phê chuẩn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh 3 nhóm vấn đề lớn cần phải tập trung chủ động nắm bắt cơ hội từ Hiệp định. 
Cuộc họp của trưởng Bộ Công Thương với các đơn vị về công tác chuẩn bị triển khai thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (ảnh: MOIT)
Cuộc họp của trưởng Bộ Công Thương với các đơn vị về công tác chuẩn bị triển khai thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (ảnh: MOIT)

Đó là việc hoàn tất cơ sở pháp lý; phối hợp với EU để thúc đẩy và vận hành Hiệp định; tổ chức và triển khai Hiệp định trong năm 2020.

Theo đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu Vụ Chính sách thương mại đa biên là đầu mối xây dựng lộ trình cụ thể, phối hợp với Bộ, ngành để sớm hoàn tất hồ sơ, khuôn khổ pháp lý, những cam kết cụ thể từ phía Việt Nam khi vào sân chơi chung EU. Bởi nếu Hiệp định EVFTA được Quốc hội Việt Nam thông qua và kịp làm thủ tục thông báo với Liên minh châu Âu thì có thể ngay từ ngày 1/7/2020, Hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực.

“Nếu không cung cấp được chính sách pháp luật tốt thì chúng ta sẽ không thể kịp trong tháng 7 khi Hiệp định đi vào thực thi”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên thuộc Bộ Công Thương cho biết, theo quy định, Hiệp định sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai sau tháng mà các bên đã thông báo cho nhau về việc hoàn thành các thủ tục pháp lý tương ứng để Hiệp định có hiệu lực. Các bên cũng có thể thỏa thuận với nhau để lựa chọn một ngày khác để đưa Hiệp định vào thực thi. 

Vì vậy, trong công tác thực thi, có hai nhiệm vụ lớn Bộ Công Thương cần phải tiến hành ngay trong thời gian tới. Một là xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và xây dựng Dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ. Hai là xây dựng Kế hoạch công tác của Bộ Công Thương về việc thực thi Hiệp định EVFTA. Để chủ động, lãnh đạo Vụ Chính sách thương mại đa biên đề xuất các đơn vị sớm bắt tay vào công việc để mang lại hiệu quả tốt nhất.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu Vụ Chính sách thương mại đa biên làm rõ vai trò của các cơ quan đầu mối trong việc phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện cơ chế, chính sách thực thi Hiệp định để báo cáo Thủ tướng. Các đơn vị phải tự đánh giá lại các nhiệm vụ của mình, rà soát lại cam kết hội nhập và chương trình hành động cụ thể.

Đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu, người đứng đầu ngành công thương yêu cầu, trong công tác phê chuẩn cũng như thực thi Hiệp định sắp tới phải tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, giảm thiểu thủ tục hành chính; cũng như đánh giá những tác động cụ thể tới từng nhóm mặt hàng, từng ngành nghề, đối tượng cụ thể, cũng như lợi thế cạnh tranh, cơ hội có thể tiếp cận từ Hiệp định...

Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cụ thể hóa đặc điểm chỉ dẫn địa lý từng thị trường trong khu vực, trên cơ sở đó xây dựng tiêu chuẩn, định hướng, đảm bảo bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào thị trường mới cũng như tận dụng được những lợi thế, cơ hội mà Hiệp định mang lại; đồng thời cần có định hướng rõ cho cộng đồng doanh nghiệp những quy định, quy chuẩn về chỉ dẫn địa lý và sức ép cạnh tranh mà doanh nghiệp đối mặt khi thực hiện Hiệp định.

Cục Phòng vệ thương mại phải tham vấn các chính sách, quy định về công tác phòng vệ thương mại, phổ biến cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam các kiến thức hội nhập và phòng vệ thương mại. “Chúng ta cần có những chỉ dẫn, giải pháp để doanh nghiệp áp dụng được cơ chế ưu đãi của Hiệp định, nhưng cũng phải có chế tài nghiêm khắc đối với các doanh nghiệp vi phạm”, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu.

Tin cùng chuyên mục