Tập trung chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

(BĐT) - Với 83,5% số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã được thông qua sáng ngày 12/6/2017. Trước đó, dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý khá nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; tiêu chí xác định DNNVV; nguồn vốn hỗ trợ...
Tập trung chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Phân nhóm DN để hỗ trợ

Theo đó, phạm vi điều chỉnh của Luật này là hỗ trợ theo quy mô doanh nghiệp, đó là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, nếu các cơ sở giáo dục và đào tạo ngoài công lập; doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật; doanh nghiệp đầu tư vào các ngành, lĩnh vực bảo vệ môi trường; doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự... được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và đáp ứng tiêu chí là DNNVV theo quy định của Luật này thì cũng được hưởng các hỗ trợ.

Ngoài ra, không chỉ giới hạn ở việc tuân thủ quy định của pháp luật về môi trường, dự thảo Luật đã bổ sung khoản 6 Điều 5 quy định “Doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ được nhận hỗ trợ theo quy định của Luật này khi đã thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật liên quan”; bổ sung tại Điều 28 quy định  trách nhiệm của doanh nghiệp phải tuân thủ quy định của pháp luật, thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước. Chính sách trong dự thảo Luật đã thiết kế theo hướng phân nhóm hỗ trợ, cụ thể là: Nhóm hỗ trợ chung, thiết yếu căn bản cho tất cả các DNNVV để tạo điều kiện ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh (tiếp cận tín dụng, tư vấn, đào tạo, pháp lý); nhóm hỗ trợ giảm chi phí, thời gian (thủ tục thuế, kế toán đơn giản hơn cho doanh nghiệp siêu nhỏ, hỗ trợ giá thuê mặt bằng trong khu, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, miễn giảm phí tư vấn); nhóm hỗ trợ chỉ dành cho các doanh nghiệp có lợi nhuận (áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường). Nhóm hỗ trợ trọng tâm chỉ dành cho các doanh nghiệp có tiềm năng phát triển, khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao (DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị). Trường hợp doanh nghiệp liên tục thua lỗ, không có khả năng phục hồi thì sẽ bị đào thải theo quy luật thị trường.

Tiêu chí và nguồn vốn hỗ trợ

Trong phiên thảo luận tại tổ và hội trường, có ý kiến đề nghị chỉ quy định 2 tiêu chí là lao động và doanh thu; không nên quy định cứng các tiêu chí về tài chính trong Luật; cần quy định thêm tiêu chí vốn sở hữu chiếm ít nhất là 30% tổng nguồn vốn. Đồng thời, nên kế thừa các quy định của Nghị định số 56/2009/NĐ-CP cho phù hợp với tính chất, đặc điểm của doanh nghiệp trong từng ngành, lĩnh vực kinh tế.

Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tiêu chí lao động, tổng nguồn vốn và doanh thu là 3 tiêu chí phổ biến được nhiều nước áp dụng. Trên cơ sở kế thừa những quy định hợp lý của Nghị định số 56/2009/NĐ-CP, dự thảo Luật bổ sung tiêu chí doanh thu và giao Chính phủ quy định chi tiết việc xác định doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa trong từng ngành, lĩnh vực phù hợp trong từng thời kỳ.

Cùng với đó, Luật đã bổ sung một số quy định nhằm thu hút các nguồn lực của xã hội ngoài ngân sách, như khuyến khích thành lập các tổ chức tư vấn độc lập để xếp hạng tín nhiệm DNNVV, hình thành các cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung, chuỗi phân phối sản phẩm, công nhận địa vị pháp lý của Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo được hình thành từ vốn góp của các nhà đầu tư tư nhân… Trong điều kiện nguồn lực ngân sách nhà nước có hạn, từng địa phương cũng có điều kiện kinh tế khác nhau, quy định như dự thảo Luật nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo của từng địa phương trên cơ sở phù hợp lợi thế so sánh nhằm hỗ trợ DNNVV trên địa bàn thiết thực nhất.

Luật đã tiếp thu bỏ những quy định mang tính áp đặt, can thiệp trực tiếp đến hoạt động của hệ thống ngân hàng; đồng thời bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng hệ thống thông tin phục vụ xếp hạng tín nhiệm DNNVV; khuyến khích thành lập các tổ chức tư vấn độc lập để tăng cường xã hội hóa việc xếp hạng tín nhiệm DNNVV nhằm giúp các DN đáp ứng được yêu cầu của hệ thống ngân hàng thương mại trong tiếp cận tín dụng, bảo vệ quyền lợi của DNNVV.

Ngoài ra, Luật Hỗ trợ DNNVV cũng có những quy định đa dạng hóa hình thức hỗ trợ như: hỗ trợ mở rộng thị trường, hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý, hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh...

Kiểm tra, kiểm toán theo luật chuyên ngành

Đáng chú ý trong các phiên thảo luận, một số ý kiến đề nghị Luật cần quy định về tần suất thanh tra, kiểm tra, kiểm toán không quá 1 lần trên năm. Kết hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành nhiều nội dung trong một đợt thanh tra, kiểm tra lồng ghép, phối hợp và kế thừa kết quả giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Qua theo dõi tình hình và phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, hoạt động thanh tra nói chung và hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành nói riêng vẫn tồn tại những hạn chế, còn những vụ việc gây phiền hà, sách nhiễu doanh nghiệp. Nội dung này thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật chuyên ngành về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngày 17/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg yêu cầu khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 01 lần/năm đối với doanh nghiệp; trường hợp kế hoạch thanh tra trùng lặp, chồng chéo với hoạt động kiểm toán nhà nước thì chủ động phối hợp, trao đổi với Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ để thống nhất phương án xử lý theo quy định hiện hành, bảo đảm sự kế thừa kết quả thanh tra, kiểm toán, không làm cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp). Do vậy Luật không bổ sung quy định này mà thực hiện theo các luật chuyên ngành về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.