Ảnh minh họa |
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ ngày 9-11/10 tại các tỉnh khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và miền núi phía Bắc đã có mưa to đến rất to gây ngập úng nặng cho nhiều diện tích lúa mùa sắp thu hoạch và cây trồng cạn ở một số địa phương khu vực Nam Đồng bằng sông Hồng.
Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, tính đến 15h ngày 11/10 diện tích ngập úng tại Nam Định là 38.704 ha, Hà Nam 7.457 ha, Thái Bình 31.163 ha, Ninh Bình 927 ha. Tình trạng ngập úng có khả năng tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, do tiếp tục chịu ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với gió Đông trên cao, đến ngày 12/10, ở các tỉnh khu vực Tây Bắc, Đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh có mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 50 -100 mm. Riêng vùng ven biển các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh có nơi trên 150 mm. Ngoài ra, do các hồ chứa thủy điện thượng lưu hệ thống sông Hồng gia tăng xả lũ, mực nước hạ du sẽ tiếp tục lên nhanh, ảnh hưởng đến việc tiêu úng.
Để chống ngập úng và bảo đảm an toàn cho các công trình thủy lợi, Tổng cục Thủy lợi yêu cầu giám đốc sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, công ty khai thác công trình thủy lợi liên tỉnh tăng cường chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện các nội dung Công điện số 08/CĐ-TCTL-QLCT ngày 9/10 của Tổng cục Thủy lợi về việc bảo đảm an toàn hồ chứa thủy lợi và đề phòng ngập úng ở khu vực Trung bộ và Đồng bằng Bắc Bộ.
Vận hành tối đa các công trình tiêu úng để tiêu thoát nước cho các diện tích cây trồng và dân sinh đang bị ngập úng; phối hợp chặt chẽ với ngành điện để ưu tiên cấp điện phục vụ tiêu úng.
Tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời các sự cố, sạt lở bờ kênh ở các hệ thống công trình thủy lợi, đặc biệt khi mực nước sông lên cao. Đồng thời, có phương án tiêu úng thích ứng với mực nước hạ du hệ thống sông Hồng lên cao gây khó khăn cho việc tiêu úng tự chảy, đặc biệt ở các vùng tiêu hoàn toàn bằng trọng lực vùng ảnh hưởng triều.