Dự kiến sửa Luật DN lần này sẽ bãi bỏ toàn bộ con dấu, bỏ yêu cầu DN công bố nội dung đăng ký kinh doanh... Ảnh: Lê Tiên |
Tuy nhiên, quá trình thi hành hai luật này cũng bộc lộ những vướng mắc cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nhằm tạo lập một môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, tin cậy cho DN.
Đơn giản hóa thủ tục gia nhập thị trường
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã phát sinh sự khác nhau, không tương thích, mâu thuẫn giữa một số quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp với quy định của các luật chuyên ngành khác.
Đối với dự kiến sửa Luật DN, theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, lần này sửa đổi, bổ sung một số nội dung thực sự cấp thiết và quan trọng nhằm tiếp tục đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho DN gia nhập thị trường. “Nếu không sửa đổi, những bất cập hiện hữu sẽ có tác động tiêu cực đến việc thực hiện chủ trương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo Nghị quyết 19 của Chính phủ”, ông Hiếu nói.
Về dự kiến sửa Luật DN, cơ quan soạn thảo đặt tham vọng tiếp tục tìm cách nâng hạng Chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam lên top 50, thậm chí cao hơn trong Bảng xếp hạng môi trường kinh doanh Doing Business của Ngân hàng Thế giới. Theo đó, định hướng sửa Luật DN dự kiến sẽ thống nhất một quy trình thành lập DN.
Nội dung sửa thứ hai, theo cơ quan soạn thảo, hiện chúng ta coi thủ tục thành lập DN là khá dễ dàng so với nhiều thủ tục hành chính khác. Tuy nhiên, theo cách tính toán của các tổ chức quốc tế, việc gia nhập thị trường của DN không đơn giản chỉ là lên phòng đăng ký kinh doanh đăng ký thủ tục thành lập DN, mà phải tính từ khi có ý tưởng kinh doanh đến khi bán sản phẩm ra thị trường. Theo cách tính này, Ngân hàng Thế giới trong Báo cáo Doing Business 2019 vẫn tính Việt Nam mất 8 bước với 17 ngày, xếp vị trí 104/190 quốc gia về mức độ khó của thủ tục. Bởi thế, dự kiến sửa Luật DN lần này sẽ bãi bỏ toàn bộ con dấu; bỏ yêu cầu DN công bố nội dung đăng ký kinh doanh; trong tờ khai không yêu cầu DN cung cấp thông tin số tài khoản DN…
“Lần sửa đổi này sẽ đơn giản, cắt giảm khoảng 4 thủ tục cho DN trong quá trình gia nhập thị trường một cách thuận lợi”, đơn vị soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật DN và Luật Đầu tư kỳ vọng.
Liên quan đến quản trị DN, theo cơ quan soạn thảo, thực tế, nhận thức về quản trị của DN Việt Nam rất thấp. Về mức điểm quản trị, điểm số của Việt Nam thấp hơn so với các nước trong khu vực ASEAN, nhưng xét về mặt luật pháp, chúng ta lại có điểm số cao hơn một số nước ASEAN. “Vấn đề lớn nhất là còn lỗ hổng trong khâu thực thi Luật DN”, ông Hiếu nhìn nhận.
Liên quan đến tổ chức lại DN, hiện Luật DN quy định hơi cứng về một số nội dung như vấn đề mua bán và sáp nhập, nên việc sửa Luật sẽ theo hướng thuận lợi hơn.
Kiểm soát thực chất điều kiện đầu tư kinh doanh
Theo ý kiến của nhiều DN, chuyên gia, hiện điều kiện đầu tư kinh doanh là một trong những rào cản lớn đối với sự phát triển của DN. Nhằm gỡ rào cản đó, nội dung sửa Luật Đầu tư dự kiến tiếp tục theo hướng xóa bỏ rào cản, tạo thuận lợi cho DN.
Chia sẻ về định hướng sửa Luật Đầu tư 2014, tại Tọa đàm về góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật DN và Luật Đầu tư diễn ra cuối tuần qua, ông Quách Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, để việc sửa Luật Đầu tư 2014 bám sát thực tiễn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản gửi địa phương, các bộ, ngành để tiếp thu ý kiến. Đến nay, nhiều đơn vị đã có kiến nghị sửa đổi. Căn cứ các ý kiến đóng góp, cơ quan soạn thảo dự kiến đề xuất sửa đổi các quy định tại Luật Đầu tư 2014 theo hướng tạo thuận lợi nhất cho DN, nhà đầu tư.
Đặc biệt, về phần điều kiện đầu tư kinh doanh, ông Tuấn cho biết, Luật Đầu tư và Luật DN 2014 đã thay đổi cách thức quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh, chuyển từ kinh doanh những gì mà Nhà nước cho phép sang kinh doanh theo quyền kinh doanh theo quy định của Hiến pháp. Luật Đầu tư có quy định Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện và ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh. Trong quá trình thực hiện, năm 2016, cơ quan chức năng có rà soát, sửa đổi danh mục này một lần. Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện hiện còn 243 ngành nghề và 7 ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh. Luật Đầu tư cũng quy định là quá trình thực hiện Danh mục có sự rà soát, đánh giá thường xuyên để xem xét đưa ra khỏi Danh mục những ngành nghề không còn cần thiết, bổ sung những ngành nghề cần quy định nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế.
Theo ông Tuấn, tại lần sửa Luật Đầu tư này, cơ quan soạn thảo tiếp tục kiến nghị đưa thêm các ngành nghề kinh doanh có điều kiện ra khỏi Danh mục. “Bước đầu, cơ quan soạn thảo dự kiến sẽ xem xét đưa gần 30 ngành nghề ra khỏi Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cũng như sửa lại, làm rõ và rà soát bổ sung một số ngành nghề”, ông Tuấn chia sẻ và nhấn mạnh, cơ quan soạn thảo sẽ đề xuất các giải pháp kiểm soát thực chất các điều kiện kinh doanh.
Đồng tình với ý kiến này, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cần phải có tiêu chí rõ ràng để xác định đưa các điều kiện đầu tư kinh doanh ra khỏi Danh mục và bổ sung vào nhằm tránh việc đánh giá một cách chung chung hay cảm tính.