Cần tăng cường công tác giám sát, công khai, minh bạch thông tin đối với đầu tư công. Ảnh: Tiên Giang |
Báo Đấu thầu đã phỏng vấn TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Tổ trưởng Tổ thư ký Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế.
Tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào tốc độ và chất lượng cải cách. Theo ông, đâu là yêu cầu chủ yếu trong cải cách hiện nay?
Sự thành công của một quốc gia hay một nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào một thể chế tốt hay không. Thể chế tốt phụ thuộc vào cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh để cho doanh nghiệp (DN) yên tâm đầu tư, sản xuất.
Thực ra, cải cách rất đơn giản là làm sao cho kinh doanh tự do hơn, an toàn hơn, bình đẳng hơn và chi phí thấp hơn. Như vậy, môi trường kinh doanh “vàng” là một môi trường mà ở đó kinh doanh tự do, an toàn và chi phí thấp…
Còn khi nói đến cải cách thể chế thì chính bộ máy nhà nước là yếu tố quyết định, bởi nếu tự do kinh doanh mà không đi kèm với hiệu lực, hiệu quả, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của Nhà nước sẽ làm cho thị trường méo mó, cạnh tranh không lành mạnh, đồng nghĩa với đó là thị trường bất an, không an toàn cho DN. Do đó, hai vấn đề này phải bổ sung cho nhau.
Tuy nhiên, lâu nay, trong cải cách của Việt Nam, tôi nhìn thấy cải cách của bộ máy nhà nước chậm nhất. Chúng ta chỉ mở về tự do kinh doanh mà không cải cách bộ máy nhà nước thì không đủ để xây dựng một nền kinh tế thị trường hiện đại, một thể chế tốt. Chúng ta cần phải thay đổi.
Tái cơ cấu DNNN hiện đã bắt đầu có những dấu hiệu khác trước và có những tiến bộ, tính thị trường đã cao hơn. Đó là Chính phủ tuyên bố dứt khoát không dùng ngân sách để giải cứu những dự án thua lỗ. Đây là điều cực kỳ căn bản để các DNNN biết rằng, kể từ nay trở đi, hoạt động kinh doanh thua lỗ sẽ không có ai cứu, mà phải tự thay đổi để hoạt động có hiệu quả hơn.
Về công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DNNN trong năm vừa qua cũng có những điểm mới. Chất lượng cổ phần hóa cũng được chú trọng bên cạnh yếu tố về lượng. Một số DNNN đã có những thay đổi trong công tác quản trị tác động đến hiệu quả hoạt động của DN.
Nhưng điều quan trọng hơn mà tôi muốn nhấn mạnh là, khu vực này cần có thay đổi lớn hơn, cải cách mạnh hơn nữa trước khi thực hiện thoái vốn, cổ phần hóa nhằm làm cho tài sản của DNNN tốt hơn rồi mới tính đến bán. Khi đó, giá trị thu về sẽ tăng lên rất nhiều.
Về tái cơ cấu đầu tư công thì sao, thưa ông?
Sơ kết tình hình thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 cho thấy, tái cơ cấu đầu tư công vẫn còn một số tồn tại. Trên thực tế, vẫn còn không ít dự án đầu tư công chậm tiến độ, đội vốn đầu tư mà chưa biết đến bao giờ mới hoàn thành và đưa vào sử dụng. Trong vấn đề thu hút đầu tư, một số địa phương mới quan tâm đến mục tiêu thu hút khối lượng vốn đầu tư mà chưa thật sự quan tâm đến chất lượng đầu tư và bảo vệ môi trường… Do đó, đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư công theo hướng hiệu quả hơn là yêu cầu quan trọng.
Thời gian tới, chúng ta cần hoàn thiện thể chế quản lý đầu tư công, bảo đảm hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế, trong đó ưu tiên đổi mới cách thức thẩm định, đánh giá và lựa chọn dự án đầu tư theo mức độ hiệu quả kinh tế dự tính của dự án. Công khai, minh bạch thông tin và tăng cường giám sát đối với đầu tư công cùng với triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước… để nâng cao hiệu quả đầu tư công.
Như vậy, rõ ràng là vẫn còn những điểm nghẽn trong tái cơ cấu nền kinh tế. Vậy hướng xử lý những điểm nghẽn này như thế nào, thưa ông?
Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2018 - 2020 phải tập trung xử lý thực chất các điểm nghẽn tái cơ cấu kinh tế. Theo đó, chúng ta cần đẩy mạnh đổi mới toàn diện quản lý nhà nước về kinh tế, cải cách thể chế kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng Chính phủ hành động, liêm chính, kỷ cương, sáng tạo và hiệu quả. Cùng với đó là nâng cao năng suất, giá trị gia tăng nội ngành và của nền kinh tế. Áp dụng chiến lược cơ cấu lại nền kinh tế có trọng điểm, ưu tiên dành nguồn lực quản lý và đầu tư cho việc phát triển các ngành kinh tế và địa bàn kinh tế ưu tiên.
Bên cạnh đó, chú trọng vào các giải pháp, chính sách cụ thể, có thể đo lường kết quả, có tác động mạnh, kịp thời trên thực tiễn, theo tín hiệu thị trường. Theo ngành kinh tế, ưu tiên cơ cấu lại khu vực nông nghiệp và du lịch; theo lĩnh vực kinh tế, bên cạnh 3 trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế (đầu tư công, các tổ chức tín dụng và DNNN), ưu tiên cơ cấu lại ngân sách nhà nước và dịch vụ công…