Nếu áp dụng đồng bộ và hiệu quả các giải pháp thì có khả năng kiềm chế giá cả thị trường theo mục tiêu đã đề ra. Ảnh: Hoàng Linh |
Dịch virus Corona chưa gây ảnh hưởng lớn
CPI tháng 1 năm nay tăng 1,23% so với tháng 12/2019. Đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 2014. Theo Tổng cục Thống kê, giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và giá dịch vụ giao thông công cộng tăng trong dịp Tết Nguyên đán là nguyên nhân chủ yếu làm cho CPI tháng 1 tăng.
Trong đó, dù nguồn cung thịt lợn được đảm bảo nhưng giá mặt hàng thịt lợn vẫn neo ở mức cao. Giá lợn thương phẩm trên thị trường vẫn ở mức 85.000 đồng/kg, cao hơn 8,29% so với tháng 12/2019 và là nguyên nhân quan trọng khiến mức nền chỉ số giá tiêu dùng của tháng 1/2020 cao nhất trong 7 năm qua.
Nhận xét về diễn biến CPI tháng 1, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính thuộc Học viện Tài chính cho rằng, mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm dưới 4% vẫn có thể thực hiện được dù khó khăn hơn năm ngoái. Theo đó, yếu tố có tính quyết định là kéo giảm được giá thịt lợn. “Nếu kiềm chế được giá thịt lợn trong quý I thì nhiều khả năng kiểm soát CPI cả năm dưới 4%. Ngược lại, nếu giá thịt lợn vẫn neo ở mức cao và kéo dài thì khả năng giữ CPI ở mức thấp sẽ khó khăn hơn. Đặc biệt, nếu dịch tả lợn châu Phi chưa thể kết thúc trong nửa đầu năm 2020 và lạm phát chỉ bắt đầu giảm từ giữa năm 2020, việc kiềm chế lạm phát dưới 4% là tương đối khó khăn”, ông Độ nói.
Về tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới, ông Độ cho rằng chưa ảnh hưởng rõ rệt lên giá các mặt hàng, chỉ mới thấy giá mặt hàng khẩu trang và nước sát trùng tay tăng đột biến. “Thực tế, các hoạt động kinh tế vẫn diễn ra, chỉ có học sinh và sinh viên tạm thời nghỉ học nên nhu cầu tiêu dùng các hàng hóa thiết yếu vẫn bình thường mà không tăng. Ngành chịu ảnh hưởng nặng nhất hiện nay là dịch vụ ăn uống, du lịch. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng dịch vụ giảm thì có thể kéo giảm giá dịch vụ. Đáng chú ý, yếu tố thuận lợi là mặt hàng xăng dầu đang có xu hướng giảm giá, đặc biệt khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và nhu cầu tiêu dùng mặt hàng này giảm xuống”, ông Độ phân tích.
Kiên quyết thực hiện các giải pháp giảm giá thịt lợn
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngay sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã yêu cầu các bộ, ngành kiên quyết thực hiện đồng bộ các giải pháp để đưa mặt bằng giá thịt lợn xuống mức hợp lý.
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu đưa mặt bằng giá thịt lợn dần xuống mức bình thường như trước khi có dịch trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc thị trường và quy định của pháp luật, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, công khai minh bạch chi phí, giá thành, giá bán; đảm bảo hài hòa lợi ích người sản xuất, khâu lưu thông, phân phối và người tiêu dùng; xử lý nghiêm các trường hợp thao túng giá, đầu cơ, trục lợi.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhiệm vụ chủ trì báo cáo đầy đủ về tình hình đảm bảo nguồn cung thịt lợn cho quý I, 6 tháng đầu năm và cả năm 2020, kế hoạch và khả năng tái đàn, tình hình nhập khẩu thịt lợn, tình hình thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi và hỗ trợ kinh phí đối với các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi…, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá trước ngày 6/2/2020. Tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan và doanh nghiệp thực hiện chủ trương nhập khoảng 100 nghìn tấn thịt lợn thành phẩm trong quý I năm 2020 để góp phần ổn định nguồn cung ngay trong những tháng sau Tết.
Bộ Công Thương chủ trì thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về độc quyền, cạnh tranh, gian lận thương mại đối với các doanh nghiệp chăn nuôi lợn có thị phần lớn, nếu có hiện tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh để găm hàng, thao túng giá thì thực hiện xử lý nghiêm, kịp thời theo quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá kết quả thực hiện trong quý I năm 2020.