Thách thức lớn trong thực hiện mục tiêu kép

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5% đặt ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP là thách thức không nhỏ vì các động lực tăng trưởng mới vẫn cần thời gian để định hình rõ nét, trong khi xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư tư nhân và FDI vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng ít nhiều bởi diễn biến phức tạp của đại dịch.
Trong 4 tháng, cả nước có 51,5 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm 2020. Ảnh: Thúy Hằng
Trong 4 tháng, cả nước có 51,5 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm 2020. Ảnh: Thúy Hằng

Kinh tế tháng 4 tiếp tục phục hồi

Báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4/2021, Bộ KH&ĐT cho biết, mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng nhìn chung tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2021 tiếp tục phục hồi. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng 4 tháng đầu năm tăng 0,89% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được bảo đảm; lãi suất ngân hàng tiếp tục duy trì ở mức thấp, thu ngân sách khả quan.

Sản xuất kinh doanh có dấu hiệu phục hồi đáng khích lệ. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 4 tháng ước tăng 10% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, đóng góp chủ yếu là ngành chế biến, chế tạo, tiếp tục là động lực tăng trưởng với tốc độ tăng ước đạt 12,7%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm đạt tốc độ tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua, ước tăng 29,5% so với cùng kỳ 2020, tiếp tục xuất siêu 1,29 tỷ USD. Các hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số được thúc đẩy mạnh mẽ…

Các tổ chức quốc tế tiếp tục ghi nhận những đánh giá tích cực đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2021. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings, tại Báo cáo Tài chính công của Việt Nam, đã nâng triển vọng tín dụng của Việt Nam lên "tích cực" từ mức "ổn định" trước đó. Quỹ Tiền tệ quốc tế (tháng 4/2021) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn có thể sẽ đạt mức 6,5% năm 2021 nhờ nền tảng vững vàng, cũng như những giải pháp quyết liệt cả về kinh tế và y tế của Chính phủ. Ngân hàng Thế giới (WB) trong báo cáo vĩ mô tháng 4/2021 nhìn nhận, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của Việt Nam đã dần phục hồi, chính sách tài khóa đã chuyển sang vị thế trung lập hơn (khoản thuế thu được và chi tiêu của Chính phủ gần như bằng nhau và không ảnh hưởng đến cầu trong nền kinh tế)...

Nhiều thách thức cần giải quyết

Kinh tế Việt Nam có sự phục hồi tích cực, tuy nhiên, vẫn còn rủi ro và những dấu hiệu chưa thực sự bền vững.

Đối với điểm sáng xuất khẩu, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 75,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực kinh tế trong nước đạt 25,76 tỷ USD, tăng 12,8%, chiếm 24,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điều này cho thấy giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam vẫn thấp; tỷ trọng xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực vẫn thuộc về khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực như điện tử, máy tính và linh kiện đạt 15,9 tỷ USD, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm trước, trong khi nhập khẩu các mặt hàng này là 22 tỷ USD, tăng 24,8%. Máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng xuất khẩu đạt 12 tỷ USD, tăng 76,9%, trong khi nhập khẩu các mặt hàng này là 14,8 tỷ USD, tăng 31,7%... Theo TS. Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô thuộc Trường Đại học Kinh tế quốc dân, phân tích cơ cấu xuất nhập khẩu điện tử, máy tính, linh kiện hay máy móc thiết bị, phụ tùng cho thấy, Việt Nam chủ yếu mới thực hiện gia công, lắp ráp.

Cũng trong 4 tháng, cả nước có tới 51,5 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm trước. Bộ KH&ĐT nhận định điều này phản ánh mức độ rủi ro, bất định còn cao, ảnh hưởng lớn đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

WB và nhiều chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo gia tăng rủi ro tài khóa khi Chính phủ phải chi nhiều hơn thu để kích thích phục hồi kinh tế; rủi ro nợ xấu trong khu vực tài chính; hay rủi ro xã hội phát sinh do người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính...

Trong bối cảnh nhiều rủi ro, nguy cơ tái bùng phát dịch Covid-19 trong cộng đồng từ cuối tháng 4 đặt ra thêm nhiều thách thức cho việc thực hiện “mục tiêu kép”. Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, nhiệm vụ trọng tâm của các bộ, ngành, địa phương trong tháng 5 và các tháng tiếp theo là tiếp tục đề cao trách nhiệm, bám sát tình hình, chủ động, quyết liệt hành động thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Về định hướng điều hành kinh tế vĩ mô, Bộ KH&ĐT kiến nghị tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng, hợp lý để duy trì đà phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Đồng thời, Bộ kiến nghị nhiều giải pháp tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; điều hành giá, năng lượng tái tạo và tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA)...