Tăng trưởng kinh tế chỉ có thể vượt mức 6,5% nếu những động lực tăng trưởng có cải thiện vượt bậc. Ảnh: Tất Tiên |
Với các kịch bản có khả năng xảy ra cao, Báo cáo cho rằng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam có khuynh hướng hội tụ quanh mức 6%, thấp hơn nhiều so với kế hoạch 6,5 - 7%/năm như đã đề ra.
Mục tiêu tăng trưởng 6,5% là khó khả thi
TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), nhận định: Giai đoạn 2011 - 2015, Việt Nam chứng kiến sự thất bại trong việc thực hiện 10/26 chỉ tiêu kinh tế - xã hội do Quốc hội đề ra, mà đa số các chỉ tiêu này liên quan đến năng suất của toàn nền kinh tế. Trong vòng 5 năm tới, Việt Nam cũng sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế.
Cụ thể, trong phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 -2020 đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 6,5% - 7%/năm. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 3.200 - 3.500 USD. Câu hỏi đặt ra là liệu các mục tiêu tăng trưởng này có đạt được hay không?
Nghiên cứu của VEPR đã dùng phương pháp hạch toán tăng trưởng để dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, tăng trưởng kinh tế được dự báo theo đóng góp của việc tích lũy các yếu tố đầu vào sản xuất là vốn, lao động và đóng góp của việc tăng năng suất nhân tố tổng hợp (TFP).
Nhìn vào chu kỳ tăng trưởng trước đó, nhiều chuyên gia cho biết, đóng góp của TFP ở giai đoạn 2005 - 2010 là 20,8%; giai đoạn 2011 - 2015 cao hơn nhiều so với giai đoạn trước đó khi đạt mức 40%. Tuy nhiên, nếu tách riêng năm 2015 thì nhận thấy đóng góp TFP trong năm này có sự giảm nhẹ. Điều này đang dấy lên những lo ngại về dấu hiệu của chu kỳ suy giảm năng suất.
Kết quả dự báo của VEPR đưa ra 27 kịch bản đối với tăng trưởng kinh tế bình quân trong giai đoạn 2016 - 2020. Tại kịch bản cơ sở, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình chỉ ở mức 5,56%/năm. Đây là tình huống nền kinh tế không có nhiều đột phá và tình hình quốc tế được coi như ổn định.
Đối với trường hợp điều kiện quốc tế kém thuận lợi và các biện pháp cải cách kinh tế không được thực hiện thành công, thì tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình chỉ đạt khoảng 5,09%/năm. Trong trường hợp hiệu quả nền kinh tế được cải thiện mạnh mẽ cùng với môi trường quốc tế thuận lợi, Chính phủ có điều kiện huy động thêm các nguồn lực quốc tế, thì tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức bình quân khoảng 6,96%/năm.
Với các kịch bản có khả năng xảy ra cao, tăng trưởng kinh tế Việt Nam có xu hướng hội tụ ở mức bình quân vào khoảng 6%/năm. Từ kết quả phân tích, TS. Nguyễn Đức Thành đánh giá: “Mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5% - 7%/năm là rất tham vọng, khó khả thi trong điều kiện cấu trúc và môi trường thể chế như hiện nay, đi liền với khuynh hướng suy yếu và tính bất trắc của tổng cầu nền kinh tế thế giới”.
Cần những cải thiện vượt bậc
Song, TS. Nguyễn Đức Thành nêu thực tế, Việt Nam đang tốn quá nhiều nguồn lực cho các hoạt động thiếu hiệu quả của khu vực hành chính công thể hiện ở tỷ lệ chi thường xuyên ở mức cao trong tổng chi ngân sách và trong GDP. Do đó, cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước theo hướng cổ phần hóa để phân bổ và sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn cũng cần phải được thực hiện rất gấp rút nhằm nâng cao hiệu suất vốn và năng suất tổng hợp của nền kinh tế. Đáng chú ý, việc tinh giảm bộ máy hành chính và nâng cao tỷ lệ tiết kiệm của Chính phủ cũng là cách để gia tăng nguồn lực được phân bổ đến khu vực tư nhân.
Bên cạnh đó, Báo cáo cho rằng, cần nhìn lại mối quan hệ giữa nâng cao trình độ lực lượng lao động với việc chuyển dịch mô hình tăng trưởng của nền kinh tế. Thực tế cho thấy, có sự dư thừa khá lớn nguồn nhân lực có trình độ đại học trở lên so với nhu cầu sử dụng của nền kinh tế. Cùng với đó là chi phí, nguồn lực xã hội sử dụng để đào tạo nhân lực trình độ cao chưa được xem xét đầy đủ. Do vậy, hệ thống giáo dục cần phải có những cải cách mang tính thị trường, hướng tới đáp ứng nhu cầu thực của thị trường lao động, yếu tố chi phí đào tạo cần được tính đủ để tránh lãng phí nguồn lực.