Thách thức xuất khẩu nửa cuối năm 2018

(BĐT) - Theo nhận định của Bộ Công Thương, xuất khẩu 6 tháng cuối năm nay của Việt Nam vẫn có yếu tố thuận lợi để tăng trưởng, nhưng nhiều khả năng phải đối mặt với không ít khó khăn. 
Tính đến hết tháng 6 năm 2018, đã có 20 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Ảnh: Nhã Chi
Tính đến hết tháng 6 năm 2018, đã có 20 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Ảnh: Nhã Chi

Bởi thế, việc đạt mức xuất khẩu bình quân 20,45 tỷ USD/tháng cho 6 tháng cuối năm là một thách thức rất lớn trong bối cảnh thị trường thế giới còn nhiều biến động khó lường.

Đáng mừng với tăng trưởng xuất khẩu DN trong nước

Báo cáo về tình hình xuất khẩu hàng hóa trong nửa đầu năm 2018, tại Hội nghị giao ban trực tuyến sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2018 do Bộ Công Thương tổ chức sáng ngày 9/7, ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch thuộc Bộ Công Thương chỉ ra nhiều điểm tích cực trong bức tranh xuất khẩu. Có lẽ, theo ông Hưng, điểm đáng mừng nhất trong bức tranh này chính là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp  (DN) trong nước cao hơn nhiều so với năm trước.

“Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 113,93 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2017. Khu vực có vốn đầu tư trong nước đã cải thiện tốc độ tăng trưởng so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Khu vực 100% vốn trong nước xuất khẩu ước đạt 33,07 tỷ USD, tăng 19,9%, cao hơn mức tăng 16,3% của năm 2017”, ông Hưng nhấn mạnh. Số liệu xuất khẩu những năm gần đây của Bộ Công Thương cũng ghi nhận những kết quả tích cực trong mức tăng trưởng của khối DN này: năm 2015 xuất khẩu giảm 2,6%; năm 2016 xuất khẩu chỉ tăng 5,5%; năm 2017 xuất khẩu tăng 17,7%...

Về nhóm hàng xuất khẩu, ông Hưng cho biết, tính đến hết tháng 6 năm 2018, đã có 20 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Những mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu tiếp tục là điện thoại các loại và linh kiện (22,5 tỷ USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (13,45 tỷ USD)…

Cơ cấu xuất khẩu tiếp tục chuyển dịch theo chiều hướng tích cực, phù hợp với lộ trình thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, xuất khẩu các sản phẩm thô và các ngành khoáng sản đang giảm dần với tỷ trọng chỉ còn chiếm 1,9% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu trong nửa đầu năm nay (năm 2017 chiếm 2,5%), giảm so với 2,5% của 6 tháng đầu năm 2017. Đồng thời, tỷ trọng xuất khẩu của công nghiệp chế biến, chế tạo và của nhóm ngành nông sản, thủy sản đang được cải thiện, đạt lần lượt là 81,9% và 11,8% trong 6 tháng đầu năm nay (tỷ lệ này năm 2017 lần lượt là 80,2% và 12,5%).

Về thị trường xuất khẩu, Việt Nam đã tận dụng tốt các ưu đãi về thuế quan trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết để mở rộng các thị trường xuất khẩu mới. Trong 6 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Mỹ tăng 9,2%, EU tăng 12,3%, Trung Quốc tăng 28%… 

Xuất khẩu có thể đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức

Dự báo về tình tình xuất khẩu 6 tháng cuối năm, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương cho rằng, xuất khẩu vẫn có những yếu tố thuận lợi để tăng trưởng. Chẳng hạn như sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ Samsung tiếp tục xuất bán sản phẩm mới trong quý III/2018 và Dự án Samsung Display tiếp tục đẩy mạnh sản xuất màn hình phục vụ xuất khẩu. Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và FTA Việt Nam - EU dự kiến có hiệu lực vào năm 2019 đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp nước ta có thêm năng lực sản xuất mới. Đầu tư trong nước được hỗ trợ bởi tâm lý lạc quan, môi trường kinh doanh thuận lợi... dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc. Dù vậy, xuất khẩu tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Theo ông Chinh, nổi bật là việc các nước tăng cường áp dụng các biện pháp bảo hộ, quy định tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe khiến sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn trên các thị trường nước ngoài. Nhiều nước ban hành quy định về truy xuất nguồn gốc; tình trạng truyền thông bôi nhọ sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam tại một số nước. Hơn nữa, kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, do vậy, cuộc chiến thương mại giữa các cường quốc kinh tế lớn cũng có thể tác động tới hoạt động xuất khẩu.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng chỉ ra thách thức, đó là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không chỉ đơn thuần là chiến tranh thương mại với các sắc thuế, mà còn liên quan đến các vấn đề cơ cấu kinh tế, tiền tệ, tín dụng… của nhiều nền kinh tế, và có thể tác động tới Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề thông tin cho DN xuất khẩu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lưu ý, trách nhiệm của Bộ Công Thương không chỉ là cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính và kiểm tra chuyên ngành cho DN, mà còn thúc đẩy cơ chế phối hợp, cung cấp thông tin chính xác và kịp thời cho DN.

Trên cơ sở những dự báo đó, Bộ Công Thương cho rằng, bên cạnh sự nỗ lực của Bộ Công Thương, rất cần sự chung tay của các bộ, ngành liên quan và cộng đồng DN để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu đã đề ra cho năm 2018.