Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Trong khu vực công nghiệp - xây dựng, ngành công nghiệp tăng trưởng 3,63%, đóng góp 1,86 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng chung. Xét riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - vốn là động lực tăng trưởng kinh tế của Tỉnh, tăng trưởng 6 tháng đầu năm chỉ đạt 3,19% (thấp hơn mức tăng 9,47% của 6 tháng đầu năm 2022), đóng góp 1,57 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn Tỉnh do thị trường xuất khẩu bị thu hẹp nên ngành sản xuất điện tử (chiếm tỷ trọng 69% giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo) gặp khó khăn. Tăng trưởng của ngành sản xuất điện tử 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 3,76% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều mức tăng 8,68% của 6 tháng đầu năm 2022.
Cục Thống kê tỉnh Thái Nguyên cũng cho biết, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh 3 tháng liên tiếp gần đây giảm sâu so với cùng kỳ, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Tuy nhiên, theo Cục Thống kê, do sản xuất nông nghiệp duy trì được đà tăng trưởng ổn định; các ngành thương mại, dịch vụ tiếp tục đạt tăng trưởng khá nên nhìn chung kinh tế của tỉnh trong quý II nói riêng và 6 tháng đầu năm 2023 nói chung mặc dù chưa có sự bứt phá nhưng cũng đạt được những kết quả khá tích cực, đặc biệt trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tính 6 tháng đầu năm 2023 tăng 5,17% so với cùng kỳ, mặc dù thấp hơn mức tăng trưởng 7,08% của 6 tháng đầu năm 2022 nhưng đây là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh sản xuất công nghiệp của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung gặp khó khăn do xuất khẩu giảm sút.
“Với mức tăng trưởng 5,17% của 6 tháng đầu năm 2023, để đạt được mục tiêu GRDP cả năm 2023 thì 6 tháng cuối năm 2023 tăng trưởng phải đạt trên 11% (gấp 2,2 lần so với mức tăng 5,17% của 6 tháng đầu năm 2023)”, Cục Thống kê tỉnh Thái Nguyên thông tin.