Thận trọng mở cửa lại nền kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2020, Chính phủ yêu cầu thời gian tới, các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”: vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt tăng trưởng ở mức cao nhất; vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh.
Việt Nam đã nối lại một số đường bay thương mại quốc tế với một số đối tác từ ngày 15/9. Ảnh: Lê Tiên
Việt Nam đã nối lại một số đường bay thương mại quốc tế với một số đối tác từ ngày 15/9. Ảnh: Lê Tiên

Thực hiện chủ trương này, một số hoạt động kinh tế đã được khôi phục trở lại. Đây được coi là bước đi phù hợp ở thời điểm hiện nay, song cần tiếp tục chú trọng công tác chống dịch, thận trọng trong việc cho phép mở cửa các hoạt động tiếp theo, hướng tới khôi phục và phát triển kinh tế một cách bền vững.

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 ngày 18/9/2020. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần nghiêm túc, trách nhiệm, thường xuyên triển khai các hoạt động phòng, chống dịch, đặc biệt là quản lý chặt chẽ nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ các trường hợp nhập cảnh, nhất là khi mở lại một số đường bay thương mại quốc tế. Đồng thời tập trung chỉ đạo thúc đẩy mạnh mẽ nhằm sớm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Đến nay, sau nhiều tuần Việt Nam không ghi nhận ca mắc ở cộng đồng, các biện pháp kiểm soát dịch bệnh vẫn được tích cực triển khai, nhiều hoạt động kinh tế từng bước được mở cửa trở lại. Ngày 20/9, một số khu du lịch tại Đà Nẵng bắt đầu hoạt động sau một thời gian tạm đóng cửa do dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 7. Từ đầu và giữa tháng 9, TP.HCM và Hà Nội bắt đầu cho phép mở cửa các quán bar, karaoke. Đáng chú ý là việc nối lại một số chuyến bay thương mại quốc tế từ ngày 15/9.

Đánh giá về động thái mở cửa trở lại nền kinh tế, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn Economica Vietnam cho rằng, việc mở lại dần dần các hoạt động của nền kinh tế là phù hợp và đáp ứng nhu cầu cấp bách hiện nay. Đặc biệt, chúng ta đã có khoảng thời gian 9 tháng để hiểu và chuẩn bị các biện pháp dịch tễ phòng, chống bệnh.

Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ việc mở cửa lại nền kinh tế của các nước khác, chúng ta cần làm từng bước, vừa làm vừa điều chỉnh, thận trọng với quá trình này thay vì chỉ đáp ứng nhu cầu của một số ngành nhất định. Theo đó, có thể ưu tiên lựa chọn một số ngành để cho phép các chuyên gia nước ngoài, lao động nước ngoài có trình độ công nghệ cao được vào Việt Nam hoặc đưa chuyên gia và lao động Việt Nam ra nước ngoài học tập, trao đổi kinh nghiệm với điều kiện tiên quyết là bảo đảm các điều kiện về phòng, chống dịch.

Về việc mở lại các hoạt động kinh tế để thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ông Bình cho rằng, nên xem xét tăng trưởng kinh tế không chỉ trong năm nay mà còn trong cả giai đoạn 5 - 10 năm tới. “Có thể phải chấp nhận một mức tăng trưởng khiêm tốn, thấp hơn kỳ vọng nhưng đảm bảo khống chế được dịch bệnh thì mới giữ được nền tảng vững chắc cho cả giai đoạn về sau. Có thể có một số ngành nôn nóng muốn được hoạt động mạnh mẽ ngay từ thời điểm này, nhưng cần xem xét các điều kiện cần thiết để tránh rủi ro cho cả nền kinh tế. Mặt khác, trong một số lĩnh vực, nhu cầu của thị trường mang tính tự thân, tức là nếu thị trường đảm bảo được các yếu tố an toàn dịch bệnh thì tự khắc phát sinh nhu cầu và có thể sụt giảm nhu cầu ngay khi diễn biến dịch bệnh phức tạp. Du lịch là ví dụ rõ nhất cho điều này, nhu cầu du lịch đã tăng mạnh mẽ từ tháng 5 sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát”, ông Bình nói.

Xem xét từ khía cạnh hỗ trợ doanh nghiệp, TS. Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, mở cửa nền kinh tế là cách tốt nhất giúp doanh nghiệp phục hồi.

Theo ông Thành, đại dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Từ giờ đến cuối năm, nền kinh tế sẽ tiếp tục "ngấm đòn" nghiêm trọng hơn, các doanh nghiệp sẽ ngày càng hoạt động khó khăn, số lượng người thất nghiệp sẽ tiếp tục tăng mạnh.

Với dịch bệnh đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới và trong nước, quá trình phục hồi của nền kinh tế là rất khó đoán định. “Giải pháp tốt nhất hiện nay là Chính phủ cần nỗ lực, chủ động và quyết liệt để khống chế dịch bệnh, từ đó từng bước mở cửa lại nền kinh tế, giúp các doanh nghiệp cầm cự qua dịch bệnh, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh và phục hồi sau dịch", ông Thành nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục