Thành phố bên sông Hàn: Những “hạt giống” khởi nghiệp bứt tốc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đà Nẵng - thành phố trẻ năng động bên sông Hàn đang lan tỏa sức hấp dẫn, đồng thời là “cái nôi” nuôi dưỡng những ý tưởng táo bạo, bồi đắp khát khao khởi nghiệp và sức sáng tạo không ngừng của những người dám dấn thân để làm giàu cho bản thân, vì cộng đồng, xã hội và sự phát triển của đất nước.
Đại diện Dự án Wetex nhận giải thưởng tại cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng - SURF 2023
Đại diện Dự án Wetex nhận giải thưởng tại cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng - SURF 2023

Thành quả từ những ý tưởng

Với ý chí, niềm tin, nghị lực, những thành công trong khởi nghiệp đã đến với Loan Tran - sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Dự án Wetex - dự án vừa xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng - SURF 2023. Wetex là nền tảng số kết nối nhãn hàng thời trang quốc tế với các nhà xưởng tại Việt Nam với mục tiêu thúc đẩy chuỗi cung ứng thời trang bền vững toàn cầu, không chỉ giúp nhà xưởng có nhiều đơn hàng hơn mà còn xây dựng mạng lưới sản xuất (nhà máy số, nhà máy xanh) đáng tin cậy tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, Wetex thiết lập tiêu chuẩn ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) cho các nhà xưởng tham gia vào mạng lưới, đóng góp vào mục tiêu bền vững của ngành thời trang.

Chỉ 6 tháng sau triển khai, Wetex đã kết nối hơn 1.000 đơn hàng cho các xưởng may trong mạng lưới. Thông qua cải thiện quy trình sản xuất, giảm thiểu thời gian và chi phí, Wetex tạo ra một chuỗi cung ứng thời trang bền vững cho các thương hiệu, nâng cao giá trị của sản xuất tại Việt Nam, đảm bảo thu nhập ổn định cho người lao động, đặc biệt là công nhân nữ (chiếm gần 90% công nhân ngành may). “Việc giành được giải Nhất tại SURF 2023 là sự công nhận, đánh giá về năng lực và tiềm năng của Wetex. Chúng tôi mong muốn đây sẽ là bệ đỡ để Wetex kết nối được với các chuyên gia, nhà đầu tư, quỹ đầu tư khởi nghiệp, nhanh chóng mở rộng và phát triển ở thị trường quốc tế”, đại diện Wetex bày tỏ.

Cũng gây tiếng vang và đạt giải 3 tại SURF 2023, Lê Trung, Giám đốc Công ty CP Giáo dục công nghệ Dragold đem đến Dự án Nền tảng kết nối học tập và phát triển các kỹ năng tư duy và ngôn ngữ Beekids. Nền tảng dựa trên kết nối giáo viên và phụ huynh để hỗ trợ trẻ độ tuổi từ 4 đến 10 tuổi phát triển kỹ năng tư duy thông qua các chương trình giảng dạy, kết nối và tương tác trong học tập để mang lại trải nghiệm tốt nhất.

Theo Lê Trung, Beekids áp dụng công nghệ số quản lý lớp học trực tuyến. Chiến lược của Dragold là hướng tới các đối tác lớn có chương trình riêng, tiêu chuẩn quốc tế được thẩm định và được giảng dạy, đánh giá cao trong ngành giáo dục ở mảng tư duy và ngôn ngữ. Sự kết hợp với các đối tác chiến lược có hàng triệu người dùng trong độ tuổi 4 - 10 nhằm tăng giá trị cho cả 2 bên.

Nghị quyết số 43/NQ-TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu đến năm 2030 “xây dựng TP. Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp ĐMST”. Tầm nhìn đến năm 2045 Đà Nẵng “trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp ĐMST và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á”.

Bên cạnh đó, Beekids còn hợp tác với POMath chuyển đổi chương trình toán tư duy POMath lên ứng dụng Bkids của Beekids, đào tạo cho các giáo viên mầm non, tiểu học, ứng dụng tại nhiều cơ sở, trung tâm trên toàn quốc với tinh thần cho đi, mang lại nhiều giá trị cho cộng đồng giáo viên toàn quốc. Sau hơn 1 năm khởi nghiệp, Dự án đã tạo được mạng lưới hợp tác giáo dục rộng lớn. Để tiếp tục mở rộng đầu tư và phát triển bền vững, tại SURF 2023, Dragold gọi đầu tư 9,5 tỷ đồng. Trong đó, 50% vốn dùng cho vận hành và phát triển kinh doanh đến hết tháng 12/2024, mở rộng ra 20 tỉnh thành và đạt 25 đối tác kinh doanh có doanh thu; đạt điểm hoà vốn trước tháng 12/2023; chuẩn bị cho tăng trưởng 200% năm 2024…

Hướng đến trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo quốc gia

Hơn 4 năm từ những ngày đầu phát động phong trào khởi nghiệp, Đà Nẵng đã ươm tạo, hỗ trợ 163 dự án khởi nghiệp, trong đó 61 doanh nghiệp khởi nghiệp thành công. Là một trong những doanh nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) tham gia SURF 2023, ông Nguyễn Trọng Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp Acronics cho biết, năm 2022, đơn vị đã được hỗ trợ gần 800 triệu đồng từ Thành phố. “Năm 2023, Acronics được giao thực hiện đề tài khoa học cấp Thành phố với kinh phí khoảng 3 tỷ đồng về an ninh, an toàn mạng. Đây là sự ghi nhận, tin cậy và tạo điều kiện thuận lợi của chính quyền để doanh nghiệp có vốn, có thị trường phát huy năng lực”, ông Tuấn nói.

Ông Lê Đức Viên - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Đà Nẵng chia sẻ, những năm qua, Đà Nẵng đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp nước ngoài như Swiss EP, Đại sứ quán Israel, Chương trình đối tác ĐMST Việt Nam - Phần Lan (IPP) trong việc cung cấp các chuyên gia khởi nghiệp hàng đầu thế giới để đào tạo cho startup những kiến thức và kỹ năng kinh doanh tiệm cận được với khởi nghiệp thế giới. Từ đó, các nhà đầu tư bắt đầu quan tâm và đánh giá Đà Nẵng là thành phố khởi nghiệp sôi động. Một số startup tại Đà Nẵng đã nhận được nguồn vốn đầu tư và tài trợ từ nước ngoài như Dat Bike, Selly, Hekate… Tuy nhiên, con số dự án được tiếp nhận nguồn vốn đầu tư nước ngoài chưa nhiều. “Điều này đặt ra nhiều suy nghĩ cho các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp của Thành phố như Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP. Đà Nẵng, Vườn ươm doanh nghiệp DNES về việc đưa các startup đến với thị trường quốc tế”, ông Viên trăn trở.

Ghi nhận những đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp đối với lĩnh vực khởi nghiệp ĐMST tại Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Trần Chí Cường cho biết, Đà Nẵng đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST thuộc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), đồng thời xây dựng các cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST như: hỗ trợ trực tiếp cho các dự án/doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST; hỗ trợ lãi suất, đổi mới công nghệ, phát triển tài sản trí tuệ... Ngoài ra, Thành phố chú trọng phát triển cơ sở vật chất cho khởi nghiệp như: bố trí trụ sở làm việc và không gian ĐMST trong Khu công nghệ cao, Khu công viên phần mềm số 2, tòa nhà làm việc của Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST và phối hợp với Bộ KH&CN thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại Đà Nẵng.

“Với những nỗ lực đó, hệ sinh thái khởi nghiệp của Đà Nẵng đang ngày càng phát triển, đã có doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST bứt phá, gọi vốn thành công hàng triệu USD. Thành phố cũng đã được Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (Vinasa) vinh danh Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp ĐMST trong năm 2020 và 2022”, ông Cường thông tin thêm.

Tin cùng chuyên mục