Câu chuyện về những công trình lớn, những cao tốc kết nối các vùng kinh tế được cập nhật, phân tích cặn kẽ cũng là những mảnh ghép góp phần hiện thực hóa khát vọng đất nước hùng cường. Ảnh: Lê Tiên |
Sự ra đời và phát triển của báo chí cách mạng gắn liền với quá trình đấu tranh cách mạng của dân tộc ta. Theo ông, báo chí cách mạng đã đóng góp như thế nào trong việc khơi dậy sức mạnh dân tộc?
Nhìn lại suốt chiều dài lịch sử báo chí có thể thấy điều có ý nghĩa sâu sắc và tự hào nhất của Báo chí cách mạng Việt Nam là góp phần khơi dậy sức mạnh dân tộc, đồng lòng chung sức đưa đất nước vượt qua những bước ngoặt đầy gian nan, thử thách để giành thắng lợi. Trong chiến tranh, dẫu biết có thể hy sinh nhưng hàng triệu người sẵn sàng xung phong ra mặt trận với niềm tin và khát vọng chiến thắng…
Trong tình hình hiện nay, càng thấy rõ hơn trách nhiệm của báo chí trong việc bồi đắp niềm tin xã hội. Đó là niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, niềm tin vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, vào đường lối, chủ trương, các quyết sách chiến lược đã được Đại hội Đảng XIII xác định.
Ở những đợt bùng phát dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay, người làm báo cùng với bộ đội, công an, từng đoàn chiến sĩ áo trắng, sinh viên tình nguyện… sẵn sàng gác lại công việc gia đình, việc học tập để dấn bước trên tuyến đầu phòng chống dịch. Báo chí nhanh nhạy nắm bắt và đưa tin khách quan về diễn biến phòng chống dịch, việc thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ, tính mạng nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Nhờ đó, Việt Nam trở thành điểm sáng về phòng chống dịch Covid -19 trên toàn cầu. Bởi lẽ đó, Đại sứ EU tại Việt Nam, ông Giorgio Aliberti từng nói: “Ở lại Việt Nam thời dịch là một may mắn xa xỉ”.
Trong đại dịch Covid-19, trong trận chiến chống lũ lụt khốc liệt ở miền Trung, chống tham nhũng, tiêu cực, những người làm báo đều thể hiện rõ tinh thần tiên phong, luôn luôn có mặt trên tuyến đầu, ở mọi điểm nóng, ở các mặt trận khó khăn của đất nước. Truyền thống ấy được nuôi dưỡng, phát huy từ những năm đầu của Báo chí cách mạng Việt Nam cho đến ngày hôm nay. Đây là một phẩm cách cao quý của người làm báo, được thấm nhuần vào mọi hoạt động báo chí hiện nay.
Để tạo được niềm tin và vị thế như vậy, hẳn không dễ dàng với nhiều tờ báo hiện nay, thưa ông?
Ông Hồ Quang Lợi |
Đúng vậy, làm báo chưa bao giờ là dễ dàng. Phản ánh thực tế khách quan đòi hỏi định hướng làm nghề đúng đắn và cả tính chiến đấu trong từng bài báo, dòng tin. Chúng ta phản ánh sống động thực tiễn đất nước, trong đó có những thành tựu, những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến để lan tỏa năng lượng tích cực là rất cần thiết, nhưng như vậy là chưa đủ, chưa toàn diện. Báo chí phải nêu cao tính chiến đấu trong việc chống lại những mặt tiêu cực, thể hiện rõ nhất là việc báo chí đồng hành cùng toàn Đảng, toàn dân trên mặt trận chống tham nhũng, lãng phí.
Đảng và Chính phủ đã phát đi thông điệp mạnh mẽ chưa từng có là “không khoan nhượng với tham nhũng”. Trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, báo chí là lực lượng rất quan trọng, luôn ở trên tuyến đầu, là vũ khí rất sắc bén, và đã tỏ rõ hiệu quả to lớn. Thực tiễn những năm qua cho thấy báo chí luôn là địa chỉ cung cấp thông tin ban đầu cho các cơ quan chức năng, điều tra phanh phui nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Hầu hết các vụ tiêu cực lớn, dù thủ đoạn hành vi tham nhũng có tinh vi đến đâu, cuối cùng cũng được đưa ra ánh sáng, nhờ sự phát hiện, tố cáo của nhân dân, thường trước hết tố cáo với các cơ quan báo chí, thông qua báo chí. Trong quá trình xét xử, báo chí tiếp tục đồng hành để làm rõ sự thật. Báo chí chính là lực lượng tiếp sức cho cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong toàn Đảng, toàn dân.
Trong vai trò này, từng tác phẩm báo chí phải hài hoà tính chiến đấu và tính nhân văn. Bởi lẽ, đằng sau một bài báo là số phận của một con người, một gia đình, một doanh nghiệp và thậm chí cả một cộng đồng. Một tác phẩm được xuất bản phải hướng tới mục tiêu con người sống tốt hơn, môi trường xã hội ngày một tốt hơn, nhân văn hơn.
Ở giai đoạn phát triển về kinh tế - xã hội và truyền thông như hiện nay, cần làm gì để các tác phẩm báo chí có thể khơi dậy sức mạnh dân tộc, dễ đọc, dễ nhớ và dễ đi vào lòng người, thưa ông?
Thông tin chính xác là sức mạnh của báo chí. Báo chí chỉ thực sự có sức mạnh khi được tiếp cận và lan tỏa những thông tin kịp thời, chính xác và tin cậy. Việc tiếp cận những thông tin đó là một đòi hỏi lớn của báo chí. Hệ thống chính trị, từ các bộ, ban, ngành tới địa phương đều có trách nhiệm cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho báo chí.
Có như vậy, báo chí mới có điều kiện để khai thác, sử dụng phát huy những thông tin tích cực để phục vụ cho nhiệm vụ hết sức quan trọng này. Cùng với đó, báo chí phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa. Chúng ta phải sử dụng một cách hiệu quả các phương tiện truyền thông hiện đại, các nền tảng công nghệ trong thời đại truyền thông kỹ thuật số để nâng cao được sức mạnh của báo chí trong việc truyền tải thông tin tích cực ra xã hội.
Báo chí cần lan tỏa năng lượng tích cực hơn nữa, phản ánh một cách khách quan, chân thực hiện thực xã hội. Có nhiều tờ báo chú trọng quá mức việc đưa thông tin tiêu cực mà xem nhẹ các sự việc tích cực trong cuộc sống hàng ngày. Nếu hầu hết nội dung của một tờ báo là thông tin tiêu cực, và số báo nào cũng như vậy thì báo chí không còn tính khách quan.
Một số người đổ lỗi là “cần có view vì xu hướng độc giả thích đọc tin tiêu cực”. Trong thời đại truyền thông kỹ thuật số, nhiều cơ quan báo chí bị hút theo mục tiêu trở thành người đưa tin nhanh nhất, không quan tâm đúng mức về tính xác thực và bổ ích của thông tin dẫn đến vội vàng, thiếu sót và thậm chí là sai lầm. Tốc độ đưa tin không phải là vấn đề quyết định với báo chí ngày nay vì mạng xã hội làm nhanh hơn báo chí. Do đó, sức mạnh, ưu thế của báo chí so với mạng xã hội chính là độ tin cậy, tính thuyết phục, hiệu quả với xã hội.
Thông tin tiêu cực quá nhiều sẽ tạo xu hướng tiêu thụ thông tin tiêu cực. Nuôi dưỡng, dẫn dắt độc giả theo xu hướng này là sai lầm của báo chí.
Thực tế, nhu cầu đọc các thông tin tích cực luôn có, song cần cách thức thể hiện gần gũi, sống động và có tính thuyết phục, điều đó đòi hỏi kỹ năng tác nghiệp tốt và cả cái tâm trong sáng của người viết.
Để làm được như vậy, đòi hỏi báo chí phải bản lĩnh và năng động. Bản lĩnh không có nghĩa là bám theo cái cũ đã lỗi thời, lạc hậu dẫn đến trì trệ. Năng động và sáng tạo là đòi hỏi tất yếu của nghề báo. Điều này phải được thể hiện trong từng ngày, từng giờ tác nghiệp của phóng viên, trong định hướng điều hành trước mắt, trung hạn và dài hạn của từng cơ quan báo chí.
Ông nhận xét gì về dòng chảy thông tin trên Báo Đấu thầu?
Đấu thầu là một lĩnh vực tưởng là hẹp nhưng thực tế gần như là bước khởi đầu của các hoạt động kinh tế. Các tin, bài, chuyên đề của Báo Đấu thầu đã khai thác tốt lĩnh vực đặc thù này, đi sâu và phát triển từ điểm khởi đầu là đấu thầu đến các hoạt động kinh tế, xã hội có liên quan. Những chuyển động trong nền kinh tế, môi trường đầu tư, kinh doanh, hoạt động của các doanh nghiệp đều liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến đấu thầu.
Báo Đấu thầu đã phản ảnh những điển hình tiên tiến, tích cực và cả những trường hợp, vụ việc chưa tốt trong hoạt động đấu thầu nói riêng, hoạt động kinh tế nói chung, cho thấy bức tranh chân thực của đời sống kinh tế và hoạt động doanh nghiệp hàng ngày.
Câu chuyện về những công trình lớn, những đại lộ, tuyến đường cao tốc kết nối các vùng kinh tế được đưa tin cập nhật, phân tích cặn kẽ về triển vọng đầu tư và lợi ích mang lại. Đó cũng là những mảnh ghép góp phần hiện thực hóa khát vọng đất nước hùng cường của chúng ta.
Niềm tin tăng sức mạnh, khát vọng tạo động lực. Báo chí cần tham gia một cách tích cực và hiệu quả nhất để làm bừng lên khát vọng Việt Nam hùng cường. Khát vọng này sẽ tạo cảm hứng mạnh mẽ và nguồn năng lượng kiến tạo mới để toàn bộ dân tộc ta vươn tới hiện thực hóa khát vọng đó trong ánh sáng thời đại mới.