Chậm tiến độ, chậm giải ngân vốn đầu tư công vẫn là những tồn tại chưa được khắc phục của các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước. Ảnh: Lê Tiên |
Tuy nhiên, năm 2017, qua kiểm tra đã phát hiện 225 dự án vi phạm quy định về thủ tục đầu tư; 22 dự án vi phạm về quản lý chất lượng; 840 dự án có thất thoát, lãng phí; 284 dự án phải ngừng thực hiện.
150 dự án không có hiệu quả
Tổng hợp báo cáo của 109 cơ quan, bộ, ngành trung ương và địa phương, Bộ KH&ĐT cho biết, năm 2017 có 51.947 dự án thực hiện đầu tư (năm 2016 có 45.147 dự án, năm 2015 có 29.506 dự án), trong đó có 22.214 dự án chuyển tiếp, chiếm 43%; 29.733 dự án khởi công mới, chiếm 57%. Trong số các dự án khởi công mới, có 16 dự án thuộc nhóm A, 803 dự án thuộc nhóm B và 28.914 dự án thuộc nhóm C (chiếm 97%). Trong năm 2017 đã có 21.784 dự án kết thúc đầu tư, đưa vào khai thác sử dụng (chiếm 42% dự án thực hiện đầu tư trong kỳ), gồm 36 dự án nhóm A, 511 dự án nhóm B và 21.237 dự án nhóm C. Tuy nhiên, 150 dự án trong số đó có vấn đề về kỹ thuật, không có hiệu quả đầu tư.
Bộ KH&ĐT cũng cho biết, năm 2017 có 38.485/51.947 dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư, đạt tỷ lệ 74%. Các cơ quan quản lý nhà nước đã tiến hành kiểm tra 12.806 dự án (chiếm 25% tổng số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ), tổ chức đánh giá 18.442 dự án (chiếm 36% tổng số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ). Qua kiểm tra đã phát hiện 225 dự án vi phạm quy định về thủ tục đầu tư; 22 dự án vi phạm về quản lý chất lượng; 840 dự án có thất thoát, lãng phí; 284 dự án phải ngừng thực hiện. Các dự án có thất thoát, lãng phí đầu tư chủ yếu là các chi phí không hợp lý, được phát hiện trong giai đoạn thanh, quyết toán, kiểm toán.
Các cơ quan bộ, ngành trung ương và địa phương cũng đã ưu tiên bố trí trả nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn vốn nhà nước theo quy định của Luật Đầu tư công. Tổng số vốn thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản trong năm 2017 là 17.939 tỷ đồng.
Bộ KH&ĐT đánh giá, năm 2017, việc đầu tư từ các nguồn vốn nhà nước khác, đặc biệt từ nguồn vốn ngân sách địa phương và vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước đã bước đầu có chuyển biến.
1.609 dự án chậm tiến độ
Theo Bộ KH&ĐT, năm 2017 có 1.609 dự án chậm tiến độ, chiếm 3,1% số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ, trong đó có 42 dự án nhóm A, 435 dự án nhóm B và 1.132 dự án nhóm C. Nguyên nhân chậm tiến độ chủ yếu là do công tác giải phóng mặt bằng (832 dự án, chiếm 1,6% số dự án thực hiện trong kỳ); bố trí vốn không kịp thời (356 dự án, chiếm 0,69% số dự án thực hiện trong kỳ); do năng lực của chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các nhà thầu (144 dự án, chiếm 0,28% số dự án thực hiện trong kỳ); do thủ tục đầu tư (258 dự án, chiếm 0,5% số dự án thực hiện trong kỳ); và các nguyên nhân khác (627 dự án, chiếm 1,21% số dự án thực hiện trong kỳ).
Năm 2017, cả nước có 2.605 dự án thực hiện đầu tư phải điều chỉnh, chiếm hơn 5% tổng số dự án thực hiện trong kỳ, trong đó chủ yếu là điều chỉnh vốn đầu tư (979 dự án, chiếm 1,88% số dự án thực hiện trong kỳ); điều chỉnh tiến độ đầu tư (936 dự án, chiếm 1,8% số dự án thực hiện trong kỳ); điều chỉnh mục tiêu, quy mô đầu tư (1.754 dự án, chiếm 3,38% số dự án thực hiện trong kỳ); điều chỉnh do các nguyên nhân khác (638 dự án, chiếm 1,23% số dự án thực hiện trong kỳ).
Bộ KH&ĐT cũng cho biết, bên cạnh các kết quả đạt được, các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước vẫn có một số tồn tại, hạn chế như: Thời gian thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư còn dài, một số quy định còn bất cập; công tác giải phóng mặt bằng một số dự án còn chậm, nhiều dự án còn chậm tiến độ, phải điều chỉnh; tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; việc thực hiện quyết toán các dự án hoàn thành ở một số cơ quan còn thấp…
Trong quá trình khai thác, vận hành, một số công trình sau khi được đầu tư chưa có vốn duy tu, bảo dưỡng, bảo trì, đặc biệt là các công trình giao cấp xã quản lý. Các đơn vị quản lý, vận hành không có biện pháp quản lý, tuyên truyền vận động nhân dân sử dụng, quản lý công trình phù hợp, dẫn đến công trình nhanh xuống cấp, hiệu quả chưa cao.