Central Group muốn đổ nhiều tiền hơn nữa vào thị trường Việt Nam dựa trên thế mạnh về vốn, kinh nghiệm quản lý của mình. |
Cú hích Big C và Zaloza
Sau những ngày theo đuổi và căng thẳng với phiên đấu giá hay những tin đồn từ giới phân tích, truyền thông, cuối cùng Central Group và Tập đoàn Nguyễn Kim đã thâu tóm được hệ thống Big C Việt Nam, với tổng giá trị giao dịch lên tới 920 triệu euro (1,05 tỷ USD). Trước đó, dư luận lại nghiêng phần thắng trong thương vụ này về một doanh nghiệp bán lẻ lớn ở trong nước là Saigon Co.op.
Tại Hội nghị Đối thoại doanh nghiệp với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc diễn ra ngày 29/4 tại TP.HCM, ông Diệp Dũng, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op đưa ra lý do của sự thất bại trong thương vụ này. “Rào cản để doanh nghiệp Việt Nam tham gia mua bán doanh nghiệp nước ngoài như Big C nằm ở chỗ cần phải xin được giấy phép đầu tư ra nước ngoài”, ông Dũng nói và kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xử lý nhanh chóng vấn đề này để Saigon Co.op mua và tiếp nhận Big C.
Nhưng Central Group đã thật sự có lợi trong thương vụ này và đã vượt qua Saigon Co.op. Cùng với Big C Việt Nam, Central Group Việt Nam đang sở hữu 100 cửa hàng với các mô hình bán lẻ khác nhau, bao gồm 4 trung tâm thương mại, 27 cửa hàng thể thao, 30 cửa hàng thời trang, 1 khách sạn; 21 trung tâm bán lẻ điện máy, 1 kênh thương mại điện tử, 13 siêu thị Lan Chi.
“Nguyễn Kim đã hợp tác chiến lược với hệ thống siêu thị Lan Chi để phát triển bán lẻ. Và Big C như một đối tác đồng hành, cùng chia sẻ cam kết và tầm nhìn trong việc cải thiện và đóng góp vào sự cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Kim, Chủ tịch Công ty cổ phần Thương mại Nguyễn Kim cho biết.
Thời điểm này, trên thị trường cũng có thông tin Central Group chi 10 triệu USD mua lại mảng kinh doanh tại Thái Lan và Việt Nam của Zalora (thuộc Global Fashion Group của Tập đoàn Rocket Internet). Đây là động thái nằm trong kế hoạch mở rộng mảng kinh doanh trực tuyến của tập đoàn này.
Thương vụ này diễn ra trong bối cảnh doanh thu của Zalora tăng 78%, lên 234 triệu USD trong năm 2015, nhưng lỗ ròng tăng 36%, lên đến 105 triệu USD. Zalora không công bố kết quả kinh doanh tại từng nước, nhưng cho biết, ứng dụng trên điện thoại của trang web đã có 10 triệu lượt tải. Mỗi năm, trang web xử lý 1,4 triệu giao dịch ở 10 nước Thái Bình Dương. Trong bối cảnh đó, trang thương mại điện tử thời trang này sẽ tập trung vào các thị trường tăng trưởng nhanh và giàu tiềm năng như Indonesia hay Singapore và rút khỏi những thị trường không mang lại hiệu quả như Việt Nam, Thái Lan.
Những tham vọng mới
Mọi thông tin chi tiết về chiến lược phát triển kinh doanh hậu thương vụ M&A nói trên chưa được hai bên chính thức tiết lộ, song những tham vọng mới của Central Group đã lộ rõ. Giống như hầu hết các nhà bán lẻ lớn của Thái Lan, Tập đoàn đang tìm cách mở rộng kinh doanh mảng bán lẻ hiện đại và thương mại điện tử để giành lại khách hàng ngày càng có nhu cầu mua sắm hiện đại và thích mua sắm trực tuyến, đặc biệt là tại Việt Nam, thị trường đang tạo sự hứng khởi cho các tập đoàn lớn về tiềm năng.
Lĩnh vực thương mại điện tử trong khu vực Đông Nam Á đã trở thành một trọng tâm cho các công ty hàng tiêu dùng. Trước đó, công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc là Alibaba Group Holding đã chi 1 tỷ USD mua cổ phần kiểm soát tại khu vực Đông Nam Á của Lazada, trang bán lẻ trực tuyến đang giữ ngôi vương tại Việt Nam. Tại thị trường Việt Nam, theo thống kê của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), lĩnh vực thương mại điện tử được dự đoán sẽ tăng trưởng hơn 30% mỗi năm từ năm 2016 đến 2020, với quy mô giá trị vào năm 2020 ước đạt 10 tỷ USD, chiếm khoảng 5% thị trường bán lẻ.
Vài năm trở lại đây, Central Group mạnh mẽ thực hiện kế hoạch thâm nhập nhiều thị trường tại Đông Nam Á như Việt Nam, Malaysia và Indonesia. Bước vào thị trường Việt Nam năm 2011, nhưng 4 năm sau, Central Group mới tạo bước ngoặt khi mua 49% cổ phần Công ty cổ phần Thương mại Nguyễn Kim. Công ty đặt mục tiêu phát triển mạng lưới lên hơn 50 cửa hàng trên cả nước vào năm 2019 (hiện Nguyễn Kim có 21 siêu thị trên cả nước). Riêng mảng thương mại điện tử, lúc đó Nguyễn Kim cũng đặt mục tiêu tăng trưởng 50% doanh thu so với năm 2014.
Theo chiến lược phát triển từ nay đến năm 2020, Nguyễn Kim sẽ trở thành thương hiệu Việt tại thị trường ASEAN và quốc tế về bán lẻ điện máy, ban đầu sẽ thâm nhập thị trường Campuchia, Lào, Myanmar và các nước ASEAN. Trong quá trình thực hiện mục tiêu này, Nguyễn Kim và Central Group sẽ cùng nhau tận dụng tối đa lợi thế của hai bên để thống lĩnh thị trường bán lẻ điện máy Việt Nam.
Đổ thêm tiền vào M&A tại Việt Nam
Cùng với các tên tuổi khác đến từ Thái Lan, giới đầu tư khu vực ASEAN đang coi Tos Chirathivat, Tổng giám đốc Central Group, một trong những người giàu nhất Thái Lan sẽ trở thành ông trùm của các thương vụ M&A tại Việt Nam. Bởi theo họ, Central Group là đế chế biết nắm cơ hội, nhanh nhạy trong các thương vụ nhượng quyền và thâu tóm các thương hiệu sinh lãi.
Bản thân Tos Chirathivat tin vào các cơ hội đầu tư tại Việt Nam và đang muốn đổ nhiều tiền hơn nữa vào thị trường này dựa trên thế mạnh về vốn, kinh nghiệm quản lý, đặc biệt là muốn tiếp tục khai thác hết tiềm năng tăng trưởng nhanh trong lĩnh vực bán lẻ ở ASEAN. Thậm chí, còn có thông tin, sau thành công M&A trong ngành công nghiệp bán lẻ của Việt Nam, ông có thể vươn sang ngành nông nghiệp và chế biến.
Ông chủ Central Group đã nhận ra rằng, không thể duy trì mức tăng trưởng hai con số ở trong nước, nên đã đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài. Năm 2015, Central Group có kế hoạch chi 37 tỷ bath (tương đương 1,14 tỷ USD) đầu tư vào lĩnh vực khách sạn, bán lẻ để thúc đẩy doanh thu, thông qua các việc mua lại các tài sản tại nước ngoài, đặc biệt là ở Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam. Do đó, trong thời gian tới, có thể sẽ có vài thương vụ M&A khủng tại Việt Nam có liên quan tới tên tuổi Thái này.