Tài chính tư nhân tham gia vào dự án PPP tại Việt Nam chủ yếu gồm vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư và các khoản vay tín dụng. Ảnh: Lê Tiên |
Khi xây dựng chính sách, Việt Nam mong muốn thu hút được thêm nguồn tài chính quốc tế đầu tư cho dự án PPP để bù đắp thiếu hụt nguồn lực trong nước. Tuy nhiên, kết quả chưa như mong đợi. Theo ông, nguyên nhân là gì?
Với nhà đầu tư và tổ chức tài chính, quan trọng nhất khi tham gia dự án PPP là cơ chế chia sẻ rủi ro và việc áp dụng pháp luật để xử lý khi có tranh chấp xảy ra.
Theo quy định tại Luật PPP, khi dự án bị sụt giảm doanh thu do thay đổi của Nhà nước (thay đổi quy hoạch, chính sách, pháp luật có liên quan), thì được chia sẻ sau khi thực hiện nhiều biện pháp khác và đã được kiểm toán. Quy trình này còn phức tạp và với những quy định về quản lý ngân sách nhà nước của Việt Nam, để Nhà nước có nguồn thực hiện nghĩa vụ chia sẻ sụt giảm doanh thu thì mất rất nhiều thời gian và hiện cũng chưa rõ dùng nguồn nào. Dù Luật PPP quy định cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu, nhưng không rõ nguồn tiền xử lý thì không có giá trị, nhà đầu tư không có niềm tin vào cơ chế này. Bên cạnh đó, việc chỉ đồng ý chia sẻ doanh thu do thay đổi của Nhà nước, còn rủi ro doanh thu do yếu tố khác như sụt giảm của thị trường không được Nhà nước chia sẻ cũng là yếu tố khiến nhà đầu tư ngần ngại.
Ông Phan Vinh Quang |
Đối với việc xử lý khi có tranh chấp xảy ra, Luật PPP quy định tranh chấp giữa cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký kết hợp đồng với nhà đầu tư nước ngoài hoặc với doanh nghiệp dự án PPP do nhà đầu tư nước ngoài thành lập về cơ bản được giải quyết tại Trọng tài Việt Nam hoặc Tòa án Việt Nam. Nhà đầu tư quốc tế e ngại điều này nên họ có thể sang đầu tư tại những quốc gia cho phép xử lý tranh chấp tại Tòa án quốc tế, trọng tài quốc tế như Philippines, Indonesia…
Bên cạnh đó, theo khảo sát của chúng tôi, nhiều nhà đầu tư cho biết còn lo ngại khi việc thực hiện một dự án hạ tầng ở Việt Nam được điều chỉnh bởi nhiều luật liên quan đến các cơ quan nhà nước khác nhau. Một dự án hạ tầng muốn thông qua phải xin được nhiều loại giấy phép khác nhau và được quản lý bởi các cơ quan khác nhau, không phải bởi các cơ quan ký kết hợp đồng.
Các nhà đầu tư tổ chức quốc tế cũng lo ngại khi Luật PPP không cho phép bảo đảm của Chính phủ về khả năng cung cấp và chuyển đổi ngoại tệ, dẫn đến rủi ro không thể chuyển tài sản về nước trong trường hợp thị trường tiền tệ gặp bất ổn; không có bất kỳ sự bảo đảm nào về việc thực hiện các nghĩa vụ của cơ quan chính phủ theo hợp đồng PPP…
Vậy ông có khuyến nghị gì để Việt Nam thu hút được nhiều hơn nguồn tài chính tư nhân, đặc biệt là tài chính quốc tế?
Tôi cho rằng Luật PPP sửa đổi nên có những cơ chế tạo niềm tin cho nhà đầu tư hơn.
Về chia sẻ rủi ro, bên cạnh chia sẻ khi sụt giảm doanh thu do thay đổi của Nhà nước, theo tôi, rủi ro thị trường cũng cần có sự chia sẻ, có thể thông qua cơ chế thị trường để thực hiện việc này, ví dụ như Công ty bảo lãnh kết cấu hạ tầng, Quỹ bảo lãnh do Nhà nước góp vốn. Khi nhà đầu tư tư nhân cũng như bên cho vay thấy doanh thu gần như bảo đảm sẽ yên tâm tham gia hơn. Quỹ bảo lãnh doanh thu tại Indonesia vận hành rất hiệu quả, hoạt động theo mô hình công ty, thực hiện bảo lãnh doanh thu có thu phí theo cơ chế thị trường và khi xảy ra rủi ro sụt giảm doanh thu, Quỹ này sẽ bồi thường theo điều khoản hợp đồng. Vì mất phí bảo lãnh nên các nhà đầu tư cũng sẽ cân nhắc rủi ro nào cần mua bảo lãnh.
Việt Nam đã có một số mô hình công ty đầu tư kết cấu hạ tầng, Bộ Tài chính cũng có nhiều doanh nghiệp có khả năng, ví dụ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Nhà nước có thể cấp cho các doanh nghiệp này nguồn tiền nhất định ban đầu để thực hiện bảo lãnh dự án PPP. Để có cơ chế thực hiện mô hình này, trong Luật PPP sửa đổi có thể quy định Bộ Tài chính thành lập 1 quỹ bảo lãnh.
Về xử lý tranh chấp, nên cho phép được áp dụng Trọng tài quốc tế và Tòa án quốc tế trong trường hợp có nhà đầu tư nước ngoài. Với nhà đầu tư FDI vẫn cho phép mà nhà đầu tư dự án PPP lại đóng thì khó thu hút. Mình chơi theo điều kiện của mình thì nhà đầu tư không vào, vì họ có nhiều lựa chọn khác.
Điều rất quan trọng là sửa đổi Luật PPP cần đồng thời sửa đổi đồng bộ pháp luật có liên quan với cùng một tư duy thông thoáng, cởi mở, để thu hút nhiều nhất nguồn lực tài chính tư nhân, nhất là dòng vốn quốc tế cho phát triển hạ tầng thì mới đạt được mục tiêu.
Về cách làm, tôi cho rằng cũng cần có sự thay đổi. Những dự án có tính thương mại cao, có lợi nhuận, khả thi về tài chính thì để tư nhân làm, Nhà nước dành nguồn lực đầu tư công cho dự án khó khăn, không có khả năng thu hồi vốn. Tại Việt Nam không ít trường hợp đang làm ngược, dự án “xương xẩu” đưa ra thu hút PPP, dẫn đến không hấp dẫn nhà đầu tư.
Ông vừa nói đến việc lựa chọn dự án nào thu hút đầu tư PPP, dự án nào đầu tư công. Đây là vấn đề rất quan trọng nhưng dường như nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Luật PPP, vậy khâu này cần thực hiện như thế nào, thưa ông?
Đúng vậy, pháp luật về đầu tư công cần quy định nguyên tắc vấn đề này. Cần có bước đánh giá dự án, tham khảo thị trường trước khi phê duyệt danh mục đầu tư công, trên tinh thần dự án khả thi, có lợi nhuận thì để đầu tư PPP. Ví dụ khi xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, Nhà nước có thể chuẩn bị danh mục tất cả dự án hạ tầng, dịch vụ công cần đầu tư, thực hiện khảo sát thị trường, tham vấn nhà đầu tư, các bên quan tâm thông qua các hội nghị xúc tiến đầu tư. Dự án nào được sự quan tâm của nhà đầu tư thì có thể triển khai theo phương thức PPP, dự án nào không được quan tâm thì đưa vào danh mục đầu tư công.
Việc nhìn nhận một dự án có phải là cơ hội đầu tư, có khả thi để rót vốn hay không nên do nhà đầu tư đánh giá, có thể Nhà nước cho rằng dự án này tốt, nhưng khu vực tư nhân lại không thấy vậy và ngược lại.
Như vậy, với nguồn vốn phân bổ cho kế hoạch đầu tư công trung hạn, nếu một số dự án có thể chuyển sang đầu tư PPP thì số vốn phân bổ cho các dự án này có thể sử dụng ngay để thực hiện công tác chuẩn bị và làm phần vốn nhà nước tham gia vào dự án PPP, góp vốn vào các quỹ kết cấu hạ tầng hay các công ty bảo lãnh kết cấu hạ tầng…
Chính phủ Việt Nam cũng cần nâng cao hiệu quả và năng lực của khu vực công trong việc lập kế hoạch, phân bổ nguồn lực và đấu thầu dự án để có thể giới thiệu các dự án hợp lý và bền vững ra thị trường. Nếu không có một danh mục các dự án hạ tầng bền vững, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, Việt Nam không thể được coi là điểm đến cho các nhà đầu tư tổ chức.
Nói riêng về các kênh huy động vốn cho dự án PPP trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, theo ông, kênh huy động nào khả thi?
Ở nhiều quốc gia, các khoản vay ngân hàng hầu như chỉ được sử dụng như một phần trong các dự án PPP. Ngoài nguồn vốn ngân hàng, dự án PPP cần huy động từ các quỹ hưu trí và cần xây dựng hệ sinh thái vốn đầu tư để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư bán lại (exit) và tái đầu tư vào dự án khác, đặc biệt là sau khi dự án bắt đầu tạo ra tiền.
Các nhà đầu tư tổ chức, ví dụ quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm và quỹ đầu tư quốc gia (wealth funds), với mức độ chấp nhận rủi ro thấp và tầm nhìn đầu tư dài hạn, là nguồn tài chính lớn cho các dự án kết cấu hạ tầng ở nhiều quốc gia và có thể là nguồn thay thế tiềm năng để tài trợ cho phát triển hạ tầng ở Việt Nam một khi có các chính sách, ưu đãi và dự án phù hợp.
Tại Việt Nam, tài chính tư nhân tham gia vào dự án PPP đến nay chủ yếu gồm vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư và các khoản vay tín dụng. Trong khi đó, các khoản vay tín dụng đang gặp những trở ngại nhất định và trong thời gian tới, dự kiến sẽ giảm tỷ trọng do các ngân hàng thắt chặt chính sách cho vay và chịu nhiều sức ép với các khoản đầu tư dài hạn. Các kênh huy động vốn khác từ nhà đầu tư tổ chức cho dự án PPP lại chưa phát triển. Nguyên nhân do số lượng nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn chiếm hơn 90% tại thị trường tài chính Việt Nam, sự xuất hiện của nhà đầu tư tổ chức, định chế tài chính lớn có nhưng không nhiều.
Việt Nam cần tập trung phát triển thị trường vốn, đa dạng kênh huy động vốn từ nhà đầu tư tổ chức hơn. Mô hình “quỹ hưu trí tự nguyện” rất phù hợp để đầu tư kết cấu hạ tầng trong điều kiện Việt Nam. Bộ Tài chính cần xây dựng cơ chế để sử dụng quỹ hưu trí cho đầu tư hạ tầng, phát huy hiệu quả nguồn tiền rất lớn này.
Ví dụ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có lưu lượng ổn định rồi, nhà đầu tư có thể bán cổ phần cho các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí để đầu tư dự án khác.
Mỗi nguồn vốn có thời hạn, điều kiện, lãi suất cho vay và mức độ chấp nhận rủi ro khác nhau. Hệ sinh thái về vốn phải đầy đủ, thì việc đầu tư cho dự án PPP mới đạt hiệu quả cao.