Thấy gì từ các dự án có hơn 1 nhà đầu tư trúng sơ tuyển?

(BĐT) - Thời gian gần đây, số lượng dự án (DA) lựa chọn nhà đầu tư (NĐT) có từ 2 NĐT trở lên tham gia và trúng sơ tuyển ngày một gia tăng. Đây là tín hiệu đáng mừng về tính cạnh tranh tại các DA này. Tuy vậy, sự cạnh tranh này đã đi vào thực chất hay chưa thì vẫn còn nhiều vấn đề đáng suy ngẫm.
Một số địa phương có các dự án thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia sơ tuyển như Hà Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế... Ảnh: Phú An
Một số địa phương có các dự án thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia sơ tuyển như Hà Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế... Ảnh: Phú An

Theo thống kê sơ bộ của Báo Đấu thầu, năm 2017, cả nước có 84 DA lựa chọn NĐT được công bố danh sách ngắn, nhưng chỉ có duy nhất 1 DA có 2 NĐT trúng sơ tuyển. Đó là DA Đầu tư xây dựng 2 khối nhà 5 tầng thuộc khu trụ sở HĐND, UBND, UBMTTQ và một số sở, ngành, đoàn thể tỉnh Sơn La.

Đến năm 2018, số lượng DA có 2 NĐT trở lên trúng sơ tuyển tăng lên con số 26 DA trong tổng số 183 DA được công bố danh sách ngắn, chiếm 14,2%.

Và sang năm 2019, tỷ lệ DA có 2 NĐT trở lên trúng sơ tuyển tăng lên 20,13% (30/149 DA).

Khảo sát các DA lựa chọn NĐT triển khai trên cả nước cho thấy, một số địa phương có các DA thu hút nhiều NĐT quan tâm và tham gia như Hà Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế...

Đáng chú ý, một số DA còn có sự tham gia đông đảo và cạnh tranh khá quyết liệt của các NĐT. Chẳng hạn như DA Trạm dừng nghỉ Hữu Lũng tại Lạng Sơn có tới 5 NĐT trúng sơ tuyển.

Hay như DA Chỉnh trang khu dân cư tại lô CTR11, CTR12 và khai thác quỹ đất xen ghép, thuộc Khu A - Đô thị mới An Vân Dương (Thừa Thiên Huế) cũng có tới 4 NĐT trúng sơ tuyển, trong đó có 2 NĐT đến từ Hà Nội, 1 NĐT đến từ Nam Định và 1 NĐT đóng trên địa bàn Tỉnh...

Việc có hơn 1 NĐT trúng sơ tuyển sẽ khiến cho các NĐT phải đấu thầu để trở thành NĐT thực hiện DA. Sự cạnh tranh của các NĐT được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích, hiệu quả cho DA hơn là hình thức chỉ định thầu được áp dụng phổ biến lâu nay ở nhiều địa phương.

Bên cạnh tín hiệu đáng mừng này, thực tế cho thấy vẫn còn một số mối lo. Liệu sự cạnh tranh trên có phản ánh đúng thực chất, hay chỉ là “tấm bình phong” để hợp thức hóa kết quả lựa chọn NĐT đã có từ trước? Tại một số DA, giữa các NĐT có mối quan hệ khá phức tạp, chằng chịt, lúc là đối tác, khi là đối thủ; lúc sở hữu vốn, khi là tài trợ vốn...

Một câu chuyện đáng suy ngẫm khác diễn ra tại 5 DA đầu tư sử dụng đất tại Sơn La. 5 DA đều có 2 NĐT trúng sơ tuyển và đã chọn được NĐT trúng thầu. Kết quả trúng thầu không quá gây bất ngờ, bởi các NĐT này đều đã được UBND Tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư và ký kết hợp đồng từ năm 2017. Sau khi rà soát, tỉnh Sơn La đã thu hồi các quyết định, hủy hợp đồng đã ký và tổ chức đấu thầu lại, nhưng sau đó các DA lại quay về với các NĐT cũ.