Các cổ đông tham dự đại hội đã thông qua việc trả cổ tức năm 2017 và 2018 bằng cổ phiếu. Ảnh: Hoàng Việt |
Tuy vậy, số lượng tham gia biểu quyết tán thành, cũng như số lượng tham dự ĐHĐCĐ thường niên lần này phần nào cho thấy những bất đồng nhất định giữa các nhóm cổ đông tại EVN Finance.
Quá trình tăng vốn gian nan
Mặc dù đã được thông qua phương án trả cổ tức năm 2017 bằng tiền mặt với tỷ lệ 6% tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 nhưng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sau đó đã có văn bản yêu cầu EVN Finance chi trả bằng cổ phiếu. Lý giải về yêu cầu này, đại diện NHNN cho rằng, việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu nhằm mục đích tăng vốn điều lệ của Công ty, qua đó nâng cao tỷ lệ an toàn vốn của EVN Finance theo quy định của NHNN.
Do đó, cuối năm 2018, EVN Finance xin ý kiến cổ đông bằng văn bản xem xét thông qua phương án phát hành cổ tức năm 2017 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 6% thay vì bằng tiền mặt. Công ty cũng trình cổ đông xem xét thông qua phương án chào bán riêng lẻ 37,5 triệu cổ phần (tương đương với 15% vốn điều lệ) cho tối đa 3 nhà đầu tư tổ chức. Bên cạnh đó, HĐQT EVN Finance cũng trình cổ đông thông qua phương án chào bán riêng lẻ 37,5 triệu cổ phần (tương đương với 15% vốn điều lệ) cho tối đa 3 nhà đầu tư tổ chức.
Về nhu cầu tăng vốn, EVN Finance cho biết, ngoài thực hiện chỉ đạo của NHNN, việc tăng vốn sẽ góp phần nâng cao năng lực tài chính, hướng tới tăng trưởng quy mô, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ trong thời gian tới. Bên cạnh đó, việc tăng quy mô vốn sẽ giúp Công ty triển khai đẩy mạnh phát triển các sản phẩm cho vay tiêu dùng, đặc biệt là trong giai đoạn đầu đưa sản phẩm ra thị trường.
Dù có nhiều lý do cho thấy việc tăng vốn là cần thiết, việc xin ý kiến bằng văn bản không được thông qua đã phần nào cho thấy các cổ đông tại EVN Finance không mấy “mặn mà” với phương án tăng vốn đã đưa ra.
Cụ thể, kết quả kiểm phiếu cho thấy, EVN Finance đã gửi tới 55.149 phiếu, đại diện cho 250 triệu cổ phần, tương đương 100% số cổ phần có quyền biểu quyết. Tuy nhiên, Công ty chỉ thu về 1.596 phiếu, trong số đó, chỉ có 1.320 phiếu, tương đương 42,708% cổ phần là hợp lệ.
Với tỷ lệ tán thành khá thấp, chỉ từ 25,2 - 25,4%, đồng nghĩa với việc các nội dung này đã không được cổ đông thông qua bằng hình thức xin ý kiến bằng văn bản.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2019 lần này, EVN Finance vẫn tiếp tục trình phương án chia cổ tức năm 2017 bằng cổ phiếu với tỷ lệ giữ nguyên 6%. Ngoài ra, phương án chia cổ tức năm 2018 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 9% cũng được đưa ra trình ĐHĐCĐ.
Mặc dù gặp phải sự phản đối bởi nhiều cổ đông lâu năm, nhưng kết quả kiểm phiếu cho thấy, có 114/220 phiếu tham dự tán thành, tương đương 65,83% trên tổng số cổ phần tham dự ĐHĐCĐ, một tỷ lệ vừa đủ theo điều lệ hoạt động của EVN Finance (trên 65% cổ phần có quyền biểu quyết tại cuộc họp) để thông qua các kế hoạch chia cổ tức 2018.
Còn đối với phương án chia cổ tức năm 2017, số cổ phần đồng ý là 97,9 triệu cổ phần, chiếm 70,02% số cổ phần có quyền biểu quyết của Đại hội. Còn số cổ phần không đồng ý chiếm 29,95%, tương đương 41,9 triệu cổ phần; 0,03% số cổ phần có ý kiến khác
Làm ăn có lãi, cổ phiếu vẫn giảm mạnh
Vì vậy, tỷ lệ 65,83% tham gia biểu quyết tán thành, cũng như tỷ lệ 52,06% trên tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự ĐHĐCĐ thường niên lần này phần nào cho thấy sự hờ hững của một bộ phận khá lớn cổ đông. “Chúng tôi thực sự băn khoăn khi doanh nghiệp vẫn làm ăn có lãi, trả cổ tức, nhưng giá cổ phiếu liên tục đi xuống. HĐQT có thể lý giải giá cổ phiếu do thị trường định giá nhưng có khi nào họ tự hỏi trong đó có trách nhiệm của mỗi cá nhân điều hành trong HĐQT và ban tổng giám đốc hay không?” - một cổ đông chia sẻ với Báo Đấu thầu.
Kể từ khi lên sàn niêm yết, giá cổ phiếu EVF đã giảm rất mạnh. Chính thức được giao dịch trên sàn UPCoM vào ngày 7/8/2018 với giá tham chiếu 12.200 đồng/CP nhưng cổ phiếu EVF luôn được giao dịch dưới mệnh giá. Kết thúc phiên giao dịch ngày 18/4, ngày diễn ra ĐHĐCĐ, giá EVF đóng cửa ở mức 6.300 đồng/CP.
Theo Biên bản kiểm phiếu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản của EVN Finance vào ngày 28/1/2019 thì công ty này có tổng cộng 55.149 cổ đông. Điều này phần nào cho thấy EVN Finance là tổ chức có mức độ đại chúng, quy mô cổ đông lớn tại Việt Nam. Sự thay đổi cơ cấu cổ đông của EVN Finance bắt đầu từ khi cổ đông lớn nhất là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giảm tỷ lệ nắm giữ từ 40% cổ phần xuống hiện còn 7,5%. Tỷ lệ này được dự báo sẽ còn giảm thêm, bởi EVN đã hơn một lần công bố về kế hoạch thoái vốn ở doanh nghiệp này. Cùng với ABBank (8,4%), EVN là một trong hai cổ đông lớn hiếm hoi của EVN Finance. Ngoài hai cổ đông này, hiện chưa rõ nhóm cổ đông nào đủ tầm ảnh hưởng tác động đến hoạt động kinh doanh cũng như quản trị tại EVN Finance.