Ảnh Internet |
Xăng E5 sẽ hoàn toàn thay xăng RON 92
Theo lộ trình sử dụng nhiên liệu sinh học, kể từ ngày 1/1/2018, Chính phủ chỉ cho phép sản xuất kinh doanh xăng E5, Ron 92 và xăng khoáng Ron 95 nhằm góp phần bảo đảm mục tiêu an ninh năng lượng, giảm dần sự lệ thuộc vào xăng khoáng, cải thiện môi trường. Các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc đưa vào sản xuất, kinh doanh xăng E5 có lợi ích to lớn trong việc bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, xăng E5 sẽ giúp cải thiện công suất động cơ, suất tiêu hao nhiên liệu, giảm đáng kể phát thải HC, CO do quá trình cháy E5 được cải thiện. Đặc biệt, xăng E5 hoàn toàn có thể sử dụng an toàn trên động cơ xăng đang lưu hành ở Việt Nam mà không cần thay đổi về kết cấu hay vật liệu chi tiết.
Tại Hội thảo Sử dụng nhiên liệu sinh học - Giải pháp phát triển bền vững do Bộ Công Thương tổ chức ngày 17/10, ông Nguyễn Nam Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đo lường chất lượng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: “Chúng tôi được giao nhiệm vụ đánh giá chất lượng xăng E5 trong thời gian áp dụng thí điểm. Đến nay, đơn vị chưa nhận được bất kỳ khiếu nại hay phàn nàn nào về chất lượng xăng E5. Đây là một trong những tín hiệu tốt để có thể triển khai sử dụng rộng rãi xăng E5 trong thời gian tới”.
Về phía doanh nghiệp cung ứng, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đánh giá, hiện nhu cầu tiêu thụ xăng E5 ngày càng tăng cao. Tại thời điểm đầu tiên triển khai bán xăng E5 (tháng 8/2014), Petrolimex chỉ có khoảng 50 cửa hàng với sản lượng tiêu thụ 4.000m3/năm. Đến nay, Petrolimex có trên 500 cửa hàng xăng, dầu đang tổ chức bán với sản lượng 28.000m3.
Tuy nhiên, nhìn lại gần 10 năm triển khai Quyết định 177/2007/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025 và 5 năm thực hiện Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg về việc phê duyệt ban hành lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống, mục tiêu đề ra gần như không đạt được. Sản phẩm này vẫn ế ẩm, đại bộ phận người dùng chưa tiếp nhận.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam vẫn tỏ ra khá băn khoăn về chất lượng và giá cả của xăng nhiên liệu sinh học. Theo ông Hùng, từ khi xuất hiện xăng sinh học, giá sắn (nguyên liệu) ngày một tăng lên. Liệu rằng khi chuyển hẳn sử dụng sang xăng E5 thì giá xăng có ở mức hợp lý, nguồn cung có được đảm bảo hay không?
Doanh nghiệp nội có đáp ứng được nguồn cung?
Thời điểm thay thế xăng Ron 92 đang đến gần, câu hỏi đặt ra là nguồn cung sẽ đáp ứng ra sao?
Hiện tại, phương án khởi động lại các dự án nhiên liệu sinh học “đắp chiếu” tại Phú Thọ, Quảng Ngãi và Bình Phước vẫn rất chậm. Đại diện Bộ Công Thương cho biết, các nhà máy này đang khẩn trương xây dựng và triển khai kế hoạch để hoạt động trở lại, chậm nhất là cuối năm 2017.
Tuy nhiên, tại báo cáo về các dự án “đắp chiếu” do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam gửi Bộ Công Thương mới đấy cho thấy, chưa nhà máy nhiên liệu sinh học nào có tín hiệu tươi sáng. Dự án ethanol Dung Quất được cho là có nhiều chuyển động nhất thì vẫn chưa có tiến triển gì mới.
Theo tính toán của các nhà kinh tế, 3 nhà máy trên sẽ đáp ứng khoảng 1/4 lượng ethanol để phối trộn nhiên liệu sinh học với sản phẩm truyền thống.
Giải đáp về vấn đề nguồn cung ethanol, Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, việc cung cấp ethanol nhiên liệu để phối trộn lượng xăng sinh học E5 chủ yếu từ 2 nhà máy nhiên liệu sinh học của Công ty TNHH Tùng Lâm với tổng công suất 200.000 m3/năm (200 triệu lít/năm) đủ để phối trộn 3,9 triệu m3 (3 triệu tấn) xăng sinh học E5 mỗi năm. Trong năm 2016, Công ty TNHH Tùng Lâm đã bán ra thị trường khoảng trên 2.000 m3 ethanol/tháng. Nếu hai nhà máy Dung Quất và Bình Phước đang tạm dừng sản xuất được khởi động lại thì có thể đáp ứng được nhu cầu xăng E5 khi thay thế xăng khoáng Ron 92.
Song ông Trần Ngọc Năm bày tỏ, đến thời điểm ngày 1/1/2018, với yêu cầu xăng sinh học thay thế hoàn toàn xăng Ron 92, chắc chắn nhu cầu ethanol tăng cao. “Nếu nguồn cung ethanol chỉ dừng lại ở các nhà máy của Công ty Tùng Lâm sẽ không đảm bảo được nguồn cung. Mong Chính phủ có chỉ đạo các nhà máy khác trong thời gian qua đã dừng thì khởi động lại”, ông Năm lo lắng.
Về nhà cung cấp Tùng Lâm, đây là một doanh nghiệp tư nhân, có ngành nghề kinh doanh ban đầu là sản xuất và xuất khẩu mặt hàng chè. Năm 2007, Tùng Lâm đầu tư Nhà máy Sản xuất ethanol từ nguyên liệu sắn nhằm phục vụ chỉ định pha xăng E5 của Chính phủ. Nhà máy đặt tại Biên Hòa, Đồng Nai.